Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá... được dự báo sẽ trở thành các ngành hàng tiềm năng có cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước thành viên CPTPP. Ảnh: Hồng Minh |
Những điểm khác biệt chính so với TPP
Tại Hội thảo Hiệp định CPTPP: Các cam kết cơ bản và những lưu ý cho DN vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/5 tại Hà Nội, ông Trần Quốc Khánh cho biết, về cơ bản CPTPP không có gì mới so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điểm khác biệt chính về nội dung giữa CPTPP và TPP nằm ở các cam kết trì hoãn thực thi về đầu tư, sở hữu trí tuệ, dịch vụ tài chính, viễn thông, mua sắm chính phủ, dịch vụ qua biên giới, môi trường...
Trong đó, về đầu tư và mua sắm chính phủ trong CPTPP, cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà nước tiếp nhận đầu tư (ISDS) không điều chỉnh hợp đồng đầu tư và chấp thuận đầu tư. CPTPP nâng thời gian tạm hoãn việc đàm phán mở rộng phạm vi trong vòng 3 năm lên 5 năm. Đối với sở hữu trí tuệ, có 11 nghĩa vụ được tạm hoãn thực thi, bao gồm: bảo hộ quyền tác giả, bảo hộ dữ liệu thử nghiệm bí mật... Về dịch vụ tài chính, CPTPP không áp dụng cơ chế ISDS đối với vi phạm nghĩa vụ về tiêu chuẩn đối xử tối thiểu. Nghĩa vụ cho phép DN khiếu nại quyết định của cơ quan quản lý trong lĩnh vực truyền thông cũng được tạm hoãn...
Việc tạm hoãn thực hiện một số nghĩa vụ phức tạp trong TPP, theo ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, sẽ giúp cho Việt Nam và các nước có thêm thời gian để điều chỉnh và thích ứng kịp thời. Tuy nhiên, đây vẫn là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết mạnh mẽ hơn rất nhiều so với các FTA trước đây và những áp lực cho việc cải cách thể chế kinh tế của Việt Nam là không đổi.
Doanh nghiệp cần lưu ý điều gì?
Tham gia CPTPP, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, cơ hội có nhiều, nhưng thách thức lớn nhất của DN là làm sao vừa tuân thủ Hiệp định, vừa tận dụng được các cơ hội mà CPTPP mang lại, tránh bỏ lỡ 70 - 80% cơ hội ưu đãi thuế quan từ các FTA như hiện nay.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, không có Hoa Kỳ, bàn cờ lợi ích đã chuyển hướng. Thay vì cơ hội xuất khẩu của ngành dệt may, giày dép, nông sản sang thị trường lớn Hoa Kỳ, những cái tên tiềm năng khác lại được nêu lên hàng đầu như: thực phẩm, đồ uống, thuốc lá... Cùng với đó, dòng chảy đầu tư, dịch chuyển dịch vụ cũng sẽ có những thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, ông Lộc chia sẻ một nghiên cứu của Nhật Bản, những lợi ích từ cải cách thể chế (xét về các hàng rào phi thuế) mà CPTPP mang lại cho GDP Việt Nam gần như bằng với TPP, giúp GDP tăng khoảng 10%.
Bên cạnh những cơ hội mà CPTPP mang lại, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên thuộc Bộ Công Thương cho rằng, DN trong nước cần chuẩn bị tâm thế cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài nội khối. Trước đây, nhà đầu tư nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ vận tải ô tô, kho bãi, thông quan tại Việt Nam thì phải thành lập 3 DN... Tương tự, hiện công ty quảng cáo nước ngoài chỉ được phép thành lập tại Việt Nam khi liên doanh với DN trong nước; nếu DN bán lẻ nước ngoài muốn mở điểm bán lẻ thứ 2 thì phải xin phép cơ quan của Chính phủ và nếu được thì giấy phép chỉ có hiệu lực trong 5 năm... Tuy nhiên, với cam kết bảo đảm cạnh tranh của CPTPP, các điều kiện ràng buộc này sẽ không còn và DN Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực này sẽ phải dè chừng sức mạnh của các công ty nước ngoài, cơ hội liên doanh hợp tác với họ chắc chắn cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên, theo ông Khanh, với cơ chế Ratchet (chỉ tiến không lùi, tức là chỉ tạo thuận lợi hơn cho DN), DN Việt Nam đầu tư sang thị trường các nước thành viên của Hiệp định lại có điều kiện thuận lợi hơn trước, bởi họ được nước sở tại bảo vệ hơn so với nhà đầu tư đến từ các nước ngoại khối.
Còn theo ông Trần Quốc Khánh, CPTPP sẽ tiếp tục tạo động lực mạnh mẽ cho cải cách của Chính phủ cộng hưởng với quá trình cải cách theo tư duy nhà nước kiến tạo đang được tiến hành, để tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của DN. Cùng với đó, hình ảnh của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế sẽ được củng cố, nâng cao và trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.