“Luồng xanh” trong đại dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2021, khó khăn do đại dịch đã tăng theo cấp số nhân, diện rộng, kéo dài và ảnh hưởng vô cùng nặng nề đến hoạt động đấu thầu. Nhằm chủ động ứng phó, quyết tâm không để đại dịch cản trở việc tham gia đấu thầu của các nhà thầu, những quyết sách đặc biệt từ cơ quan quản lý, sáng kiến của các bên mời thầu (BMT), chủ đầu tư (CĐT) kịp thời ra đời, gỡ nhiều khó khăn để công tác này không bị gián đoạn.
Hai năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều văn bản hướng dẫn, đề xuất giải pháp cho các chủ đầu tư/bên mời thầu/nhà thầu để đảm bảo hoạt động đấu thầu thông suốt trong dịch Covid-19. Ảnh: Tường Lâm
Hai năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều văn bản hướng dẫn, đề xuất giải pháp cho các chủ đầu tư/bên mời thầu/nhà thầu để đảm bảo hoạt động đấu thầu thông suốt trong dịch Covid-19. Ảnh: Tường Lâm

“Như một luồng xanh”

Một đêm cuối tháng 8/2021, số điện thoại của một nhà thầu chuyên mảng tư vấn khảo sát thiết kế có tiếng tại TP.HCM đổ dồn dập. “Em ơi, hôm qua công ty có nhận được văn bản mời thương thảo hợp đồng. Mà địa chỉ chủ đầu tư tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Tình hình này, ngày mai làm sao có thể đi thương thảo được đây em?”.

“Anh có nắm được văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và văn bản của Bộ Giao thông vận tải về việc hỗ trợ nhà thầu khi tham gia đấu thầu trong quá trình lưu thông, giao dịch chưa?”, phóng viên hỏi lại. “Chưa em ơi, cho anh số văn bản để anh nói anh em in ra, chứ nếu chỉ có phiếu xác nhận tiêm vaccine, khai báo y tế, đo thân nhiệt, giấy đi đường, giấy mời họp từ CĐT, anh và nhân viên đã bị từ chối cho đi lại nhiều lần rồi”, Nhà thầu khấp khởi.

Trưa hôm sau, dù đang giờ nghỉ, Nhà thầu gọi điện cho phóng viên với giọng rất vui: “May quá, có 2 văn bản của Bộ KH&ĐT, Bộ Giao thông vận tải, kèm với những giấy tờ khác, xe của công ty anh đã được cho phép đi theo lộ trình đăng ký. Rất kịp thời và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đi thương thảo hợp đồng thành công, như một luồng xanh gỡ ách tắc lâu nay của doanh nghiệp em ạ”.

Thời điểm đó, có hàng vạn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tại vùng “nóng Covid-19” gồm: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh miền Tây gần như “án binh bất động”. “Rất nhiều gói thầu vẫn tiến hành mời thầu qua mạng, nhà thầu dự thầu thuận lợi nhưng phát sinh từ lúc làm rõ hồ sơ, thương thảo, ký hợp đồng. Nếu CĐT/BMT không linh động, tạo điều kiện thuận lợi để các hoạt động diễn ra theo hình thức trực tuyến thì mọi nỗ lực của nhà thầu đều vô nghĩa.

Từ năm 2020, Bộ KH&ĐT đã ban hành nhiều văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường tổ chức đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tinh thần quyết liệt tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu từ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu là xuyên suốt, liên tục trong năm 2020, 2021.

Cuối tháng 8/2021, Bộ KH&ĐT tiếp tục có nhiều văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương để hướng dẫn, gỡ khó cho hoạt động đấu thầu trong bối cảnh đại dịch bùng phát nặng nề. Theo đó, để góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, đồng thời bảo đảm hiệu quả của công tác đấu thầu, Bộ đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, đôn đốc CĐT/BMT tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng đối với gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Trường hợp kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt hình thức đấu thầu rộng rãi không qua mạng thì cần xem xét, khuyến khích áp dụng đấu thầu rộng rãi qua mạng để tạo thuận lợi cho nhà thầu tham dự, đồng thời tuân thủ Chỉ thị số 16/CT-TTg. Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng liên tục có văn bản hướng dẫn, đề xuất giải pháp cho các CĐT/BMT khi gặp tình huống bất khả kháng do dịch bệnh như: thương thảo hợp đồng trong điều kiện giãn cách, làm rõ hồ sơ dự thầu online, mở thầu trực tuyến…

Tinh thần quyết liệt tạo thuận lợi cho các chủ thể tham gia hoạt động đấu thầu từ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu là xuyên suốt, liên tục trong năm 2020, 2021.

Chưa hết, ngay sau đó, Bộ KH&ĐT tiếp tục có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị hỗ trợ nhà thầu khi tham gia đấu thầu. Bộ Giao thông vận tải đã nhanh chóng ban hành Công văn số 9806/BGTVT-VT ngày 21/9/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị hỗ trợ cho nhà thầu tham gia giao thông khi tham dự đấu thầu trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Sự phối hợp kịp thời, chi tiết giữa các bên liên quan đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu trong quá trình từ công ty đến nơi mời thầu và tổ chức đấu thầu.

Thích nghi kịp thời

Suốt 2 năm 2020 và 2021, Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mọi hoạt động của đời sống kinh tế gần như bị đảo lộn, gián đoạn, thậm chí hủy bỏ. Tuy nhiên, 2 năm qua, hoạt động đấu thầu thuộc số ít lĩnh vực do có sự chủ động từ nhiều phía, đặc biệt là từ cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, cũng như sự thích ứng nhanh nhạy của các nhà thầu, các CĐT/BMT đã vận hành thông suốt, hiệu quả và gia tăng tiện ích.

Đầu tiên phải kể đến CĐT là các đơn vị y tế - tuyến đầu chống dịch với trọng trách nặng nề, thậm chí chưa có tiền lệ. Để đảm bảo ổn định nguồn cung thuốc, vật tư, thiết bị y tế phục vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân trong 2 năm qua không bị gián đoạn là nỗ lực rất lớn. Lựa chọn nhà thầu trong tâm dịch như Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM vẫn đấu thầu thành công thuốc năm 2021 trong bối cảnh bị phong tỏa khi ghi nhận hàng chục ca nhiễm đến với đội ngũ y bác sỹ.

Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ, những gói thầu mua sắm thuốc phục vụ bệnh nhân 2 năm qua của Bệnh viện đều rơi vào các thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, giãn cách ở mức cao nhất. “Tuy nhiên, nhờ áp dụng công nghệ thông tin, sự hướng dẫn kịp thời, BMT đã hoàn thành tốt việc lựa chọn nhà thầu. Thậm chí, lần đầu mạnh dạn áp dụng mở thầu trực tuyến nhưng đã nhận được sự đồng thuận tuyệt đối từ các nhà thầu do hoàn toàn đảm bảo tính khách quan, minh bạch, trình tự như mở thầu trực tiếp”, đại diện Bệnh viện cho biết.

Các ban quản lý dự án chuyên nghiệp tại khu vực phía Nam thông tin với Báo Đấu thầu về những khâu chuẩn bị kỹ lưỡng để giúp công tác đấu thầu không bị gián đoạn như: tăng tỷ lệ số gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng; chuẩn bị tốt các file hồ sơ mời thầu, bản vẽ thiết kế để đưa lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia không bị thiếu, sót; chủ động về công nghệ để sẵn sàng họp làm rõ hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng… qua kênh trực tuyến. “Quyết tâm đưa đấu thầu qua mạng phổ cập toàn diện, những hướng dẫn kịp thời, hiệu quả của cơ quan tham mưu chính sách về đấu thầu đã giúp phát huy đúng tinh thần của Luật Đấu thầu, tạo nên môi trường cạnh tranh, hiệu quả, minh bạch cho công tác đấu thầu”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng ngành giao thông tỉnh Tây Ninh đánh giá.

Việc nâng cấp Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho nhà thầu, CĐT/BMT khi tham gia đấu thầu qua mạng, tăng tỷ lệ đấu thầu qua mạng đã và đang phát huy rất nhiều giá trị. Bên cạnh đó, quyết tâm và cách làm sáng tạo của các đơn vị, địa phương đã mang đến một năm không bị gián đoạn, cản trở cho toàn bộ hoạt động đấu thầu.

Theo các nhà thầu, việc tổ chức đấu thầu theo cách thức truyền thống có thể làm hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu do các nhà thầu ở địa phương khác gặp khó khăn trong việc nộp hồ sơ dự thầu, làm rõ hồ sơ dự thầu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh do nhà thầu và BMT phải tiếp xúc trực tiếp với nhau. Từ nhận định này, việc Bộ KH&ĐT đưa ra các giải pháp căn cơ thay thế như trên là “chẩn đúng bệnh, kê đúng thuốc”. Sức lan tỏa của những quyết sách này đã tạo cơ hội cho hàng vạn nhà thầu tự tin dự thầu, tự tin làm rõ hồ sơ dự thầu, thương thảo hợp đồng, giúp CĐT/BMT lựa chọn được nhà thầu có năng lực phù hợp triển khai gói thầu.

Chuyên đề