Lực đẩy tăng trưởng từ trung tâm kinh tế động lực Nghi Sơn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn được quy hoạch trở thành một trong những KKT lớn của khu vực và cả nước, là trung tâm động lực phía Nam của tỉnh Thanh Hóa với mức độ ưu tiên hàng đầu trong Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thanh Hóa đang tập trung nhiều nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước.
Khu kinh tế Nghi Sơn được định hướng trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Ảnh: Hiếu Nguyễn
Khu kinh tế Nghi Sơn được định hướng trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước. Ảnh: Hiếu Nguyễn

Nhiều lợi thế, khung chính sách ưu đãi cao nhất

Theo Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Chính phủ phê duyệt, Thanh Hóa sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao.

Đến năm 2025, Thanh Hóa vào nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới, có nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

Thanh Hóa định hướng phát triển không gian lãnh thổ với 4 trung tâm kinh tế động lực. Trong đó, trung tâm động lực phía Nam (KKT Nghi Sơn) được xếp thứ tự ưu tiên phát triển đầu tiên. Mục tiêu phát triển KKT Nghi Sơn trở thành một trong những trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, một khu vực phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo, dịch vụ gắn với khai thác hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa cho biết, trong những năm gần đây, Thanh Hóa đã xuất hiện các yếu tố để trở thành cực tăng trưởng mới, một trong những trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, y tế, thể thao, du lịch của khu vực và cả nước. Trong đó có sự đóng góp từ việc hình thành một số ngành, lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng tại KKT Nghi Sơn như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đáp ứng 35 - 40% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước; Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 1 công suất 2 triệu tấn/năm; các dự án công nghiệp quy mô lớn đang được triển khai thực hiện như Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn số 2 với tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng; Tổ hợp Hóa chất Đức Giang với diện tích 30 ha thuộc Phân khu công nghiệp số 15, KKT Nghi Sơn với tổng mức đầu tư khoảng 2.400 tỷ đồng…

Theo ông Bùi Tuấn Tự, Phó Trưởng Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thanh Hóa, bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguồn nhân lực dồi dào, KKT Nghi Sơn còn được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Chính phủ, nên đã thu hút được một số dự án động lực làm nền tảng cho sự phát triển.

Được biết, KKT Nghi Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là 1 trong 5 KKT trọng điểm để đầu tư phát triển giai đoạn 2013 - 2015 và là 1 trong 8 nhóm KKT ven biển trọng điểm của cả nước để tập trung đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020. Thực tế, KKT Nghi Sơn đã và đang khẳng định là một trong những KKT ven biển hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư.

Năm 2022, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp tại KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đạt hơn 271 nghìn tỷ đồng, tăng 54,5% so với năm 2021; doanh thu đạt hơn 292 nghìn tỷ đồng, tăng 60,9%; nộp ngân sách nhà nước gần 26 nghìn tỷ đồng. Cũng trong năm 2022, KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã thu hút thêm được 20 dự án mới, nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư lên 705 dự án; có 54 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư.

Năm 2023, KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa hướng tới mục tiêu tổng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp đạt 265 nghìn tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 5.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 26 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho thêm 10 nghìn lao động.

Cùng với việc tích cực xúc tiến, thu hút đầu tư, Thanh Hóa đã ban hành Đề án giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN trong KKT Nghi Sơn. Việc thực hiện đề án này kỳ vọng sẽ tạo quỹ mặt bằng sạch, “dọn đường” cho quá trình triển khai dự án của nhà đầu tư hạ tầng và các nhà đầu tư thứ cấp trong thời gian tới. Theo đó, trong giai đoạn 2023 - 2027, Thanh Hóa sẽ dành nguồn kinh phí hơn 11.300 tỷ đồng để thực hiện GPMB, đầu tư xây dựng các khu tái định cư và GPMB các KCN số 6, số 20 và số 21 trong KKT Nghi Sơn.

Trung tâm logistics cấp vùng hạng I

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại KKT Nghi Sơn. Để hiện thực hóa quy hoạch này, Thanh Hóa xác định phát triển nhanh, ổn định, có tầm nhìn dài hạn về hệ thống logistics. Đến năm 2030, tập trung hoàn thiện việc phát triển hệ thống logistics gắn với cảng biển, ga đường sắt, hoàn thiện giao thông kết nối...

Trong đó, xây dựng hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông hợp lý, kết nối thuận lợi trong và ngoài KKT. Sớm hoàn thành đầu tư các tuyến đường kết nối các tuyến giao thông trục chính với nút giao của cao tốc Bắc - Nam, đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Thanh Hóa… nhằm phát huy hiệu quả các tuyến đường này, nâng cấp Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế. Nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi KKT Nghi Sơn; sớm đưa Cảng Nghi Sơn thành cảng cấp 1A…

Với hoạt động thu hút đầu tư, ông Bùi Tuấn Tự cho biết, Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp để hiện thực hóa định hướng phát triển KKT Nghi Sơn như: phát triển các ngành công nghiệp theo hướng kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu. Hỗ trợ doanh nghiệp tối đa nếu có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Cùng với đó, thu hút đa dạng các loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm dịch vụ chất lượng cao. Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp nhằm huy động tối đa, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, có quy mô lớn, ưu tiên đầu tư các tuyến đường giao thông, kết nối các cực tăng trưởng.

Với các địa bàn được giao quản lý, Ban Quản lý KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa sẽ thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình triển khai các dự án đã được cấp phép đầu tư; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai, chậm tiến độ, tạo quỹ đất sạch và cơ hội cho nhà đầu tư mới có năng lực đến tìm hiểu đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên đất đai. Tiếp tục đổi mới công tác xúc tiến đầu tư và tăng cường cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hỗ trợ nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu và triển khai các dự án…

Chuyên đề