Luật hóa chế tài xử lý dự án điện chậm tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) dự kiến được Chính phủ trình Quốc hội trong tháng 8/2024. Một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật là chế tài xử lý đối với dự án điện chậm tiến độ. Đề xuất này nhằm gắn trách nhiệm của chủ đầu tư với tiến độ dự án, thúc đẩy việc đầu tư xây dựng công trình điện lực theo đúng quy hoạch.
Nhiều dự án nguồn và lưới điện trọng điểm thuộc Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ phải chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Phan Thanh
Nhiều dự án nguồn và lưới điện trọng điểm thuộc Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ phải chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII. Ảnh: Phan Thanh

Theo Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011 - 2023, về cơ bản, hệ thống điện đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải. Tuy nhiên, công tác phát triển điện lực vẫn tồn tại hạn chế, bất cập dẫn đến vận hành hệ thống điện gặp nhiều khó khăn, hệ thống còn thiếu tính bền vững, an ninh cung cấp điện bị ảnh hưởng. Một trong những bất cập lớn nhất là nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ, nguy cơ thiếu điện ngày càng lớn.

Tổng kết thực tiễn thi hành Luật Điện lực giai đoạn 2005 - 2023, Bộ Công Thương cho biết, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, giai đoạn 2016 - 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện cần được đầu tư và đưa vào vận hành (chưa bao gồm các dự án năng lượng tái tạo). Tuy nhiên, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ (miền Bắc chậm tiến độ hơn 3.000 MW nguồn nhiệt điện; miền Nam chậm tiến độ hơn 3.600 MW nguồn nhiệt điện). Tỷ lệ thực hiện quy hoạch của các nguồn điện lớn (than, khí) đạt thấp (63%), dẫn tới thiếu hụt nguồn cấp và tỷ lệ dự phòng công suất khả dụng của hệ thống thấp. “Việc chậm tiến độ các dự án điện hoặc các dự án không được triển khai theo quy hoạch tạo ra các khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Công Thương, là do Luật Điện lực chưa có chế tài ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư khi thực hiện chậm trễ các dự án đầu tư xây dựng công trình điện. Mặc dù Luật Đầu tư, Luật Đất đai đã có quy định xử lý các trường hợp cần thu hồi dự án, nhưng thực tế, việc thực hiện thủ tục này chưa quyết liệt từ các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và Trung ương.

Bên cạnh đó, Luật Điện lực cũng chưa có quy định phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý chủ đầu tư các dự án nguồn điện triển khai chậm tiến độ, kéo dài, không có giải pháp khắc phục; chưa có quy định thực hiện đầu tư các dự án điện khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Để khắc phục tình trạng chậm tiến độ, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ đã luật hóa cơ chế xử lý các dự án điện chậm tiến độ với việc bổ sung quy định về phối hợp quản lý nhà nước đối với các dự án điện theo quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch tỉnh (phương án phát triển mạng lưới cấp điện). Cụ thể, Dự thảo Luật quy định, UBND các tỉnh, thành phố định kỳ hàng năm rà soát, báo cáo Bộ Công Thương tình hình thực hiện các dự án điện trên địa bàn, đề xuất xử lý các dự án chậm triển khai theo quy định pháp luật về đầu tư, đất đai. Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp tỉnh, Bộ Công Thương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tiến độ của dự án, thu hồi dự án theo quy định pháp luật.

Được biết, nhiều dự án nguồn và lưới điện trọng điểm thuộc Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh chậm tiến độ phải chuyển tiếp sang Quy hoạch điện VIII như: Nhà máy Thủy điện Ialy mở rộng; Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng; Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I; lưới điện đồng bộ Nhiệt điện Nhơn Trạch 3&4...

Chuyên gia năng lượng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, chế tài xử lý các dự án điện chậm tiến độ được luật hóa là cần thiết, giúp ngăn chặn tình trạng chủ đầu tư chưa đủ năng lực nhưng vẫn muốn “xí phần” thực hiện dự án, gây chậm trễ trong việc đưa các dự án nguồn điện vào vận hành, ảnh hưởng đến việc cung ứng điện.

TS. Nguyễn Thành Sơn - nguyên Trưởng ban Chiến lược thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho rằng, quy định này đưa vào Luật là cần thiết, bởi thời gian qua có rất nhiều dự án nguồn và lưới điện chậm tiến độ. Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý, dự án điện chậm tiến độ có nhiều nguyên nhân, trách nhiệm đôi khi không chỉ của riêng chủ đầu tư dự án mà còn của nhiều bên. “Qua theo dõi thấy rằng, phần lớn dự án nguồn điện chậm tiến độ là do phê duyệt thời gian thực hiện chưa đúng thực tế, do đó, cũng phải xem xét trách nhiệm của cấp phê duyệt dự án...”, ông Sơn nêu quan điểm.

Để đảm bảo cung ứng điện cho phát triển, Dự thảo Luật còn đề xuất bổ sung một loạt giải pháp khác như: quy định thực hiện đầu tư các dự án điện khẩn cấp nhằm giải quyết các vấn đề bức thiết về bảo đảm an ninh cung cấp điện; hoàn chỉnh khung chính sách nhằm quy định cụ thể về đấu thầu và phát triển cạnh tranh đối với các dự án năng lượng tái tạo thuộc lĩnh vực chuyên ngành...

Chuyên đề