Luật Đấu thầu (sửa đổi): Tăng cơ hội cạnh tranh cho doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Các nội dung mới của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), nhất là cơ chế linh hoạt nhằm sàng lọc, phân loại nhà thầu, tăng cơ hội cạnh tranh, khẳng định uy tín, năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu nhận được sự đồng thuận lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) tại Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi). Hội thảo do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức tại TP.HCM ngày 14/4/2023.
Cơ chế nhằm sàng lọc, phân loại nhà thầu, tăng cơ hội cạnh tranh tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Văn
Cơ chế nhằm sàng lọc, phân loại nhà thầu, tăng cơ hội cạnh tranh tại Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhận được sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Văn

Tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, trên tinh thần hoàn thiện thể chế, khắc phục những bất cập, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đấu thầu cũng như phòng chống tiêu cực, tham nhũng, cộng đồng DN đánh giá cao các cơ hội nâng cao vị thế, sức cạnh tranh thông qua các chính sách cụ thể tạo nên môi trường minh bạch, công bằng trong đấu thầu.

Về những điểm mới của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế TP.HCM cho rằng, việc xây dựng chương riêng về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, trang thiết bị y tế không chỉ gỡ vướng cho các cơ sở y tế công lập mà cả cộng đồng các DN sản xuất, kinh doanh thiết bị y tế, dược, vật tư tiêu hao. “Dự thảo Luật mạnh dạn bổ sung/bỏ rất nhiều quy định để khơi thông hoạt động mua sắm, đấu thầu, tạo nên tính chủ động cho các chủ thể trong hoạt động y tế. Đơn cử như bổ sung nhiều quy định cho phép chỉ định thầu mua hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch; đối với gói thầu cung cấp hóa chất, sinh phẩm, linh kiện, phụ kiện thay thế trong trường hợp trang thiết bị, máy móc chỉ sử dụng được duy nhất loại hóa chất, sinh phẩm, linh kiện thay thế này mới có thể vận hành”, ông Doãn dẫn chứng.

Bà Trương Thị Tố Hoa, Trưởng ban Pháp chế Tiểu ban Trang thiết bị y tế và chẩn đoán (thuộc Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam) chia sẻ, theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 2.000 DN kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu với danh mục hàng nghìn loại thiết bị y tế. Mỗi năm, giá trị các mặt hàng thuốc, vật tư, trang thiết bị cung cấp cho các cơ sở y tế công lập thông qua các hình thức lựa chọn nhà thầu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Do đó, Dự thảo Luật có quy định hình thành cơ sở dữ liệu về chất lượng thuốc/thiết bị và nhà thầu cung cấp là điều kiện tốt nhằm phát huy tinh thần cạnh tranh, nâng cao năng lực của các nhà thầu trong lĩnh vực này một cách khách quan, chính xác.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), hướng hoàn thiện Luật Đấu thầu (sửa đổi) là bổ sung quy định hồ sơ mời thầu phải bao gồm các nội dung đánh giá về uy tín của nhà thầu thông qua việc tham dự thầu, thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó và chất lượng của hàng hóa tương tự đã sử dụng; quy định cụ thể về giá đánh giá, mua sắm bền vững. Đồng thời, Bộ KH&ĐT sẽ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu, bao gồm kết quả thực hiện hợp đồng và chất lượng hàng hóa đã sử dụng theo quy định. “Đây là yếu tố quan trọng để các DN cạnh tranh bằng chất lượng, dịch vụ cung cấp, không còn cách hiểu sai lệch về giá rẻ trúng thầu”, bà Hằng khẳng định.

Đối với đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, theo ông Trần Đại Nghĩa đến từ Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) được kỳ vọng cải thiện niềm tin cho cộng đồng các nhà đầu tư. “Thực tế, dù đã có nghị định hướng dẫn về việc thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), nhưng công tác lựa chọn nhà đầu tư vẫn còn nhiều khó khăn. Điển hình tại TP.HCM, hơn 3 năm qua chưa có dự án PPP nào được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Đây là tín hiệu cảnh báo về mức độ quan tâm của nhà đầu tư đối với các dự án Nhà nước kêu gọi DN tham gia ngay tại địa phương năng động nhất, phát triển nhất. Tôi hoan nghênh Dự thảo Luật đã đưa ra cụ thể, đầy đủ các phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu đối với dự án lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, các tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, xã hội, môi trường và hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả đầu tư ngành, lĩnh vực là các thông số quan trọng khi triển khai dự án để nhà đầu tư làm căn cứ theo đuổi dự án. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng đưa ra phương pháp tiêu chí cố định, áp dụng đối với dự án có yêu cầu đặc thù của ngành, lĩnh vực, trong đó cần xác định cụ thể một tiêu chí giá dịch vụ, giá trị nộp ngân sách nhà nước hoặc tỷ lệ chia sẻ lợi ích trong hồ sơ mời thầu”, ông Nghĩa nói.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, góp ý của cộng đồng DN khi xây dựng Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ được Ban soạn thảo, VCCI ghi nhận, rà soát, cập nhật đầy đủ, chất lượng nhất nhằm chuẩn bị tốt nhất cho việc trình Quốc hội thông qua. “Đây là cơ hội cạnh tranh rất lớn cho DN Việt Nam khi tham gia một môi trường đấu thầu chuyên nghiệp, khách quan, luôn coi trọng năng lực, kinh nghiệm, uy tín của nhà thầu”, ông Tuấn nhận định.

Chuyên đề