Luẩn quẩn nợ vay: Thuận Thảo đối mặt nguy cơ lớn

Khoản cho vay 400 tỷ đồng giữa Công ty cổ phần Thuận Thảo và Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn đang là mối nguy cơ rình rập với khả năng phải hủy niêm yết của Thuận Thảo.
Luẩn quẩn nợ vay: Thuận Thảo đối mặt nguy cơ lớn

Là doanh nghiệp có bề dày xây dựng và phát triển qua gần 30 năm, Công ty cổ phần Thuận Thảo hoạt động kinh doanh trên nhiều lĩnh vực: vận tải hành khách chất lượng cao; taxi; vận tải hàng hóa; Khách sạn 5 sao CenDeluxe; Khu nghỉ dưỡng cao cấp Resort & Spa; du lịch sinh thái giải trí; tổ chức sự kiện; du lịch lữ hành; sản xuất nước uống đóng chai SUGA; đầu tư kinh doanh bất động sản và các dịch vụ khác.

Sau khoảng thời gian liên tục nhận nhiều giải thưởng nhờ có mức tăng trưởng ấn tượng, trong vài năm trở lại đây, tình hình kinh doanh của Thuận Thảo đang trở nên ảm đạm. Hôm qua (17/3), cổ phiếu GTT (HOSE) của CTCP Thuận Thảo đã chính thức bị đưa vào diện kiểm soát và tạm ngừng giao dịch.

Kết thúc năm 2015, Công ty cổ phần Thuận Thảo tiếp tục công bố Báo cáo tài chính sau kiểm toán với doanh thu đạt 203,42 tỷ đồng, giảm 8,2% so với năm ngoái; lỗ trước thuế 121,28 tỷ đồng, giảm 25% so với con số lỗ 161,1 tỷ đồng của năm 2014. Như vậy, lỗ lũy kế của GTT đến cuối 2015 là 303,98 tỷ đồng, gần “bắt kịp” với vốn chủ sở hữu là 435,03 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều khiến giới đầu tư tài chính quan tâm là tại Báo cáo tài chính kiểm toán 2015 của GTT, các kiểm toán viên lưu ý về khoản nợ gốc cho vay và lãi cho vay phải thu của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn lần lượt là 400 tỷ đồng và 53,63 tỷ đồng.

Căn cứ thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng cho vay ban đầu, không tính việc gia hạn giữa các bên, thì khoản nợ này đã quá hạn hơn 2 năm, nhưng GTT vẫn chưa tiến hành trích lập dự phòng. Nếu GTT thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản nợ trên với tỷ lệ trích lập 70% (do nợ trên 2 năm) thì khoản lỗ trong năm 2015 và lỗ lũy kế tính đến 31/12/2015 sẽ tăng thêm 317,52 tỷ đồng.

Như vậy, tổng lỗ lũy kế của GTT nếu thực hiện trích lập dự phòng đối với khoản nợ trên sẽ là hơn 620 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp, đồng nghĩa với việc GTT sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc.

Lý giải về khoản nợ trên, bà Võ Thị Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GTT cho biết, khoản nợ gốc và lãi vay được đảm bảo bằng quyền chuyển đổi thành vốn góp của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn.

“Hiện khoản nợ này đã quá hạn thanh toán và GTT đang tiến hành các thủ tục để thu hồi khoản nợ này” (trích Báo cáo tài chính 2015 của Thuận Thảo).

Được biết, Công ty cổ phần Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng do bà Võ Thị Thanh làm Chủ tịch HĐQT, hoạt động chính là phát triển dự án bất động sản tại huyện Bình Chánh (TP.HCM). Khoản cho vay 400 tỷ đồng trên được GTT cho Thuận Thảo Nam Sài Gòn vay vào năm 2013 với thời hạn 12 tháng, lãi suất 14,4%/năm.

Xem lại Báo cáo tài chính năm 2013 của GTT có thể thấy, bên cạnh việc cho vay trên, đồng thời khoản phải thu khách hàng là Công ty cổ phần  Thuận Thảo Nam Sài Gòn tại thời điểm 31/12/2013 giảm mạnh, từ 407,1 tỷ đồng xuống còn 11,03 tỷ đồng. Nhiều khả năng, khoản phải thu đối với công ty này đã được chuyển thành khoản cho vay ngắn hạn, bởi trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm 2013, khoản đầu tư tài chính này không để lại “dấu vết”.

Với khoản phải thu phát sinh từ năm 2012, sau đó chuyển thành cho vay ngắn hạn mà đến cuối năm vừa rồi, GTT vẫn chưa đòi được, khả năng thu hồi vốn của GTT có lẽ là dấu hỏi lớn, bởi báo cái tài chính năm 2015 của GTT cho biết, dự án bất động sản của Thuận Thảo Nam Sài Gòn “đang trong giai đoạn đầu tư chưa phát sinh doanh thu”.

Bên cạnh đó, cũng theo Báo cáo tài chính năm 2015 của GTT, Công ty ghi nhận vay và nợ thuê tài chính thời điểm cuối năm 2015 là 743,88 tỷ đồng. Trong đó, vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả tại các ngân hàng tổng cộng là 400,57 tỷ đồng. Riêng vay tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài tổng cộng là 625,05 tỷ đồng. Toàn bộ số nợ vay này đã được BIDV chi nhánh Phú Tài bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Đồng thời, GTT cũng ghi nhận các khoản thuế và phạt nộp chậm thuế gần 109 tỷ đồng.

Tất cả điều này được kiểm toán đánh giá GTT đang gặp áp lực về thanh khoản và ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của GTT.

Tuy nhiên, trong tài liệu cho kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2016 được GTT công bố mới đây, GTT có kế hoạch làm việc với các tổ chức tín dụng để miễn giảm thuế cho vay, làm việc với cơ quan thuế để xin gia hạn, miễn giảm cho các khoản phạt chậm nộp thuế. Thêm vào đó, trước áp lực tài chính, GTT cho biết sẽ thanh lý, chuyển nhượng một hoặc một số lĩnh vực kinh doanh để giảm nợ, có nguồn tái cấu trúc.

Chuyên đề