Ảnh chỉ mang tính minh họa. Ảnh: TTXVN |
Quá tải trong tương lai gần
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt TP.HCM thải ra mỗi ngày là 8.700 tấn. Tuy nhiên, trong số này, có đến 76% là xử lý bằng chôn lấp, 14,7% sản xuất compost - tái chế và 9,3% đốt không phát điện. Bên cạnh đó, mỗi ngày, TP.HCM còn phát sinh 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp, khoảng 400 tấn chất thải nguy hại. Dự báo lượng rác thải sẽ tăng từ 5 - 10%/năm tùy loại. Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khẳng định, Thành phố chưa có các cơ sở tái chế chất thải rắn quy mô lớn. Việc phân loại và tái chế chất thải rắn chủ yếu thực hiện ở quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình với khoảng gần 1.000 cơ sở thu mua và 10 nhà máy tái chế.
Hiện tại, toàn Thành phố chỉ có 2 khu liên hợp xử lý chất thải rắn là Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (Bình Chánh) quy mô 614 ha và Khu liên hợp xử lý chất thải Phước Hiệp (Củ Chi) quy mô 687 ha (Thành phố đang có dự kiến điều chỉnh giảm xuống còn 533 ha).
Dự báo năm 2020, chất thải rắn sinh hoạt của TP.HCM là 10.081 tấn/ngày, chất thải nguy hại là 549 tấn/ngày, chất thải y tế là 30 tấn/ngày. Đến năm 2025, chất thải rắn sẽ là 12.864 tấn/ngày, chất thải nguy hại là 807 tấn/ngày, chất thải rắn y tế là 50,5 tấn/ngày. Với mục tiêu tìm kiếm một giải pháp mới, thông minh trong việc xử lý rác nhằm giảm tối đa lượng rác chôn lấp xuống còn 50% vào năm 2020 và đến năm 2025 chỉ còn tối đa 20%, hệ thống xử lý chất thải rắn hiện hữu của TP.HCM là hoàn toàn không thể đáp ứng được yêu cầu.
Tổ chức đấu thầu ngay từ đầu năm 2018
Phát biểu tại Hội nghị kêu gọi đầu tư xử lý rác bằng công nghệ đốt - phát điện đến năm 2025 vừa diễn ra, lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết, sẽ có định hướng, ưu đãi cụ thể trong kêu gọi các nhà đầu tư xử lý rác theo hướng đốt - phát điện để thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các ưu đãi như: miễn 11 năm tiền thuê đất hoặc giảm 70% tiền thuê đất phải nộp; chính sách hỗ trợ về giá mua bán điện là 10,05 cent (Mỹ)/kWh đối với dự án phát điện đốt rác trực tiếp và 7,28 cent (Mỹ)/kWh đối với các dự án đốt khí thu hồi từ bãi chôn lấp rác. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách ưu đãi về vốn và thuế…
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, hiện nay công nghệ đốt rác sản xuất điện trên thế giới đã phát triển, do đó, cần có phương án lựa chọn nhà đầu tư hiệu quả. “TP.HCM cần hết sức lưu ý trước những thông số kỹ thuật, đề xuất dự án mà các nhà đầu tư đề xuất. Cần đặc biệt lưu ý đến công tác tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt - phát điện bằng các tiêu chí cụ thể trong hồ sơ mời thầu (HSMT). Cần thiết, TP.HCM nên yêu cầu nhà đầu tư vận hành, chạy thử để đánh giá các thông số kỹ thuật như đề xuất rồi mới tiến hành ký hợp đồng”, Thứ trưởng Đông đề nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định, TP.HCM quyết tâm đấu thầu để triển khai các nhà máy xử lý rác thải thông minh, hiệu quả. “Chúng tôi sẽ tổ chức đấu thầu công khai, chọn các dự án xử lý chất thải rắn phù hợp, đồng thời sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này”, ông Tuyến cam kết.
UBND TP.HCM cho biết, dự kiến đầu năm 2018, Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến để xử lý rác thải cho Thành phố. TP.HCM khẳng định, ngay từ thời điểm này, các sở ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư để có thể tham gia đấu thầu để thu hút đông đảo nhất các nhà đầu tư có tiềm lực trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn.