Lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất: Mức độ cạnh tranh ngày càng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tính cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư có sử dụng đất đã từng bước được cải thiện. Bên cạnh đó, mức độ cạnh tranh trong các dự án đầu tư kinh doanh cũng ngày càng tăng. Qua đó, các địa phương vừa lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tài chính để thực hiện dự án, vừa huy động được vốn nhà đầu tư cho giải phóng mặt bằng và tăng thu ngân sách nhà nước.
Năm 2021, có tổng số 252 dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện lựa chọn nhà đầu tư với tổng số vốn huy động khoảng 209.507,99 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Tân
Năm 2021, có tổng số 252 dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện lựa chọn nhà đầu tư với tổng số vốn huy động khoảng 209.507,99 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Tân

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2021, có tổng số 252 dự án đầu tư có sử dụng đất thực hiện lựa chọn nhà đầu tư với tổng số vốn huy động khoảng 209.507,99 tỷ đồng và tổng diện tích đất khoảng 6.838,88 ha. Các dự án này được triển khai trên địa bàn 35 địa phương, tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như: Bình Định (30 dự án), Bắc Giang (20 dự án), Thái Bình (14 dự án), Hà Nam (12 dự án), Nghệ An (12 dự án), Quảng Nam (12 dự án), Thanh Hóa (11 dự án), Ninh Thuận (10 dự án), Tuyên Quang (10 dự án).

Đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, trong năm 2021, có 16 dự án với tổng số vốn huy động khoảng 58.993,17 tỷ đồng được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Bộ KH&ĐT đánh giá, trong năm 2021, số lượng dự án đầu tư có sử dụng đất được tổ chức lựa chọn nhà đầu tư giảm nhẹ so với năm 2020, nhưng tính cạnh tranh trong đấu thầu đã từng bước được cải thiện. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ dự án áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư (đối với các dự án chuyển tiếp) và áp dụng thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư giảm đáng kể, từ 48,4% trong năm 2020 xuống còn 33,33% năm 2021.

Đối với lựa chọn nhà đầu tư dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, số liệu của các địa phương cũng cho thấy hoạt động này ngày càng được triển khai rộng rãi, phổ biến trên phạm vi cả nước. So với năm 2020, số lượng dự án được tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành trong năm 2021 tăng 28,57%, tương ứng huy động nguồn vốn tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực này có sự gia tăng khoảng 10 lần, do tập trung vào dự án quy mô lớn (như Dự án Điện LNG Cà Ná của tỉnh Ninh Thuận).

Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, năm 2021 phát sinh nhiều trường hợp dự án không thuộc phạm vi điều chỉnh nhưng vẫn chọn áp dụng pháp luật về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh trong các dự án đầu tư kinh doanh ngày càng tăng, không chỉ trong các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản mà còn chuyển dịch sang các dự án đầu tư khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cảng logistics, các dự án trong khu công nghệ cao (TP.HCM, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng....). Trong bối cảnh này, việc lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, công khai, cạnh tranh thông qua đấu thầu là một đòi hỏi từ thực tiễn.

8 tháng đầu năm 2022, theo khảo sát sơ bộ của phóng viên Báo Đấu thầu, nhiều dự án đầu tư có sử dụng đất lớn đã được đưa ra đấu thầu sau khi có 2 nhà đầu tư trở lên đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm. Nhiều địa phương đã chú trọng đến việc tăng cường tính cạnh tranh thông qua việc thực hiện gia hạn thời gian mời quan tâm nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác tham gia, thay vì thực hiện ngay thủ tục chấp thuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Theo một chuyên gia, việc dự án đầu tư có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu vừa tăng tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, tài chính để thực hiện dự án, vừa huy động được vốn nhà đầu tư cho giải phóng mặt bằng và tăng thu ngân sách nhà nước không chỉ qua tiền sử dụng đất mà cả giá trị nộp ngân sách nhà nước tự nguyện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Vì thế, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư các dự án đã công bố danh mục dự án, trong đó chú trọng việc tăng cường các biện pháp nhằm thu hút thêm nhà đầu tư tham gia dự án để bảo đảm cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư, hạn chế trường hợp áp dụng thủ tục chấp thuận nhà đầu tư do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký hoặc 1 nhà đầu tư được đánh giá đạt yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm.

Thực tế, theo báo cáo của các địa phương, tổng giá trị đề xuất nộp ngân sách nhà nước được đề nghị trúng thầu của 57/58 dự án đã lựa chọn được nhà đầu tư thông qua đấu thầu năm 2021 (gồm cả dự án chuyển tiếp và dự án thực hiện theo quy định hiện hành) là 8.206,04 tỷ đồng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư