Lựa chọn nhà đầu tư dự án chuyên ngành, xã hội hóa: Dự án xếp hàng chờ hướng dẫn

(BĐT) - Hiện nay, nhiều địa phương đang đẩy mạnh thu hút, khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường… nhằm bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế. Danh mục dự án cần kêu gọi đầu tư của nhiều địa phương, cũng như của nhà đầu tư đề xuất rất nhiều, nhưng phần lớn dự án chưa thể lựa chọn nhà đầu tư do thiếu hướng dẫn của các bộ quản lý ngành.
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường… Ảnh minh họa: Ngọc Minh
Nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự quan tâm tới các dự án trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường… Ảnh minh họa: Ngọc Minh

Trao đổi với Báo Đấu thầu, bà Ngô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nam cho biết, mỗi năm Sở tiếp nhận trung bình 20 đề xuất dự án của nhà đầu tư trong các lĩnh vực trên, quy mô từ vài chục tỷ đồng lên đến nghìn tỷ đồng. Danh mục kêu gọi thu hút đầu tư của Tỉnh tổng hợp theo năm, theo giai đoạn cũng lên đến hàng trăm dự án. Tuy nhiên, đến nay, chỉ có dự án nhà ở xã hội có hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư của Bộ Xây dựng, rõ hành lang pháp lý. Các lĩnh vực khác, địa phương vẫn đang chờ hướng dẫn của các bộ, ngành.

Theo bà Lan, vướng mắc chính là chưa có tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa (XHH), không thể áp tiêu chuẩn đánh giá HSDT với dự án sử dụng đất vào những lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục… được. Đây là các lĩnh vực khuyến khích đầu tư, lấy tiêu chí M3 cao nhất để lựa chọn nhà đầu tư là không phù hợp.

Theo nguồn tin của phóng viên, cuối tháng 8/2023, Sở KH&ĐT Hà Nam đã có công văn gửi nhiều bộ đề nghị có hướng dẫn về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá HSDT; hồ sơ đề xuất và các nội dung khác. Tuy nhiên, đến ngày 29/9/2023, Sở mới nhận được công văn trả lời của Bộ KH&ĐT.

Không riêng Hà Nam, nhiều địa phương cũng đang chờ đợi hướng dẫn của bộ chuyên ngành.

Đang triển khai đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án Bệnh viện Đa khoa có quy mô khoảng 300 giường và một số dự án khác thuộc lĩnh vực y tế, cấp nước, xử lý chất thải sinh hoạt, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng gặp vướng mắc tương tự. Theo UBND Tỉnh, đến nay ngoài Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành còn lại chưa ban hành văn bản hướng dẫn, do đó Tỉnh đang bị vướng trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, cụ thể là phương pháp xác định giá trị m3 trong hồ sơ yêu cầu, HSMT lựa chọn nhà đầu tư.

Thanh Hóa cũng nhiều lần cho biết, nhu cầu đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực về xử lý môi trường (thoát nước, xử lý nước thải, chất thải), giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao là hết sức cấp thiết và có nhiều nhà đầu tư quan tâm, đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, địa phương vẫn chưa có cơ sở triển khai do thiếu hướng dẫn của các bộ quản lý ngành.

Theo Bộ KH&ĐT, các công trình dịch vụ trong lĩnh vực XHH, chuyên ngành và công trình dự án có sử dụng đất (nhà ở, công trình thương mại dịch vụ, khu đô thị) là khác nhau. Do vậy, đối với dự án trong lĩnh vực chuyên ngành, XHH, việc xác định giá sàn nộp ngân sách nhà nước (nếu có) cũng như nguyên tắc xét duyệt trúng thầu cần được xem xét, bảo đảm phù hợp với yếu tố đặc thù của chuyên ngành, XHH, không áp dụng hoặc không dẫn chiếu thực hiện theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư có sử dụng đất.

Tại Công văn số 6719/BKHĐT-QLĐT ngày 7/8/2023, Bộ KH&ĐT tiếp tục có hướng dẫn về trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH. Trong đó, Bộ KH&ĐT đã có hướng dẫn, HSMT được lập trên cơ sở chỉnh sửa theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư số 09/2021/TT-BKHĐT. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng nêu rõ, bộ, ngành, địa phương chủ động lập HSMT theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 97/NQ-CP. Phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá trong trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật XHH được xây dựng phù hợp với yêu cầu đặc thù của lĩnh vực, dự án; không áp dụng tiêu chí đánh giá lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, trao đổi với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để được hướng dẫn về phương pháp, tiêu chuẩn đánh giá đối với dự án cụ thể thuộc phạm vi quản lý của bộ.

Theo nhiều ý kiến, trong khi chờ văn bản hướng dẫn, rất cần sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành để tháo gỡ nhanh vướng mắc cho địa phương. Đồng thời, Bộ KH&ĐT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và các biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, nên việc các bộ quản lý ngành tham gia xây dựng tiêu chuẩn đánh giá HSDT, hợp đồng mẫu trong từng lĩnh vực là rất cần thiết để tạo khung pháp lý thuận lợi cho triển khai.

Chuyên đề