Lợi thế kép trong mua sắm thiết bị y tế tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phó Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) Nguyễn Quang Thanh cho biết, trong gần 1 năm Chương trình hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư tại TP.HCM được áp dụng trở lại, HFIC đang xem xét hồ sơ vay vốn của 10 dự án, trong đó có dự án đã được HFIC đồng ý cho vay.
Nhu cầu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị cho các cơ sở y tế tại TP.HCM là rất lớn. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhu cầu đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hiện đại hóa trang thiết bị cho các cơ sở y tế tại TP.HCM là rất lớn. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Tại Hội nghị triển khai công tác thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.HCM cuối tuần qua, lãnh đạo HFIC thúc đẩy các cơ sở y tế quan tâm đến chương trình này để có thêm thuận lợi trong quá trình mua sắm, nâng cấp thiết bị.

Hỗ trợ lãi suất đột phá

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, dù địa phương có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, là lựa chọn hàng đầu của người dân khu vực phía Nam khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhưng cơ sở vật chất của ngành y tế chưa tương xứng với tiềm năng. “Tình trạng thiếu trang thiết bị tân tiến, hiện đại, cơ sở y tế xuống cấp, hư hỏng chưa được sửa chữa, nâng cấp rất phổ biến. Do đó, các ưu đãi, đặc biệt là lãi suất cho các bệnh viện khi đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế là cơ hội rất lớn để các bệnh viện chủ động nắm bắt, mạnh dạn đầu tư cải thiện năng lực, công suất khám chữa bệnh trong thời gian tới”, bác sĩ Nam chia sẻ.

Chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn TP.HCM được Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho vay theo Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 09/2023/NQ-HĐND của HĐND Thành phố. Đối tượng áp dụng là các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước (100% vốn trong nước) được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là chủ đầu tư). “Theo đó, hơn 200 bệnh viện công lập đóng trên địa bàn TP.HCM đều có đủ điều kiện để trở thành đối tượng được áp dụng chính sách này”, ông Nam nhấn mạnh.

Theo Phó Giám đốc HFIC Nguyễn Quang Thanh, quy định về hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư được HFIC cho vay thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn đã được ban hành gần 1 năm. Theo đó, mức vốn vay tối đa của mỗi dự án được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 200 tỷ đồng (không bao gồm thuế giá trị gia tăng được khấu trừ), tăng gấp đôi so với các chương trình cho vay kích cầu Thành phố áp dụng từ năm 2003 đến nay. Đặc biệt, các dự án thuộc lĩnh vực y tế do đơn vị sự nghiệp công lập của TP.HCM làm chủ đầu tư được hỗ trợ lãi suất đối với 100% phần vốn đầu tư xây dựng công trình, 100% phần vốn đầu tư công nghệ và thiết bị.

Điều kiện quan trọng để bệnh viện được hỗ trợ là dự án phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, được HFIC thẩm định tính hiệu quả, khả năng trả nợ vay của chủ đầu tư và chấp thuận cho vay hoặc cho vay hợp vốn do HFIC làm đầu mối. “Các chủ đầu tư cần lưu ý, dự án chưa ký hợp đồng với nhà thầu, nhà cung cấp đối với các hạng mục (xây lắp, thiết bị, công nghệ) mới được đề xuất hỗ trợ. Với mức vay 200 tỷ đồng cũng như thời gian ưu đãi lên đến 7 năm, đây là ưu đãi rất hấp dẫn mà TP.HCM đưa ra để khuyến khích các bệnh viện chủ động lập dự án”, ông Thanh lưu ý.

Chủ động lập dự án

Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, ngoài khung chính sách ưu đãi lãi suất theo Nghị quyết 98/2023/QH15 thì hàng loạt quy định khác là điều kiện thuận lợi để các bệnh viện đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Đó chính là quy định về đấu thầu thiết bị y tế theo Luật Đấu thầu hiện hành cho phép các chủ đầu tư chủ động lựa chọn công nghệ, cấu hình căn cứ vào các báo giá khách quan.

Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, chính sách ưu đãi này sẽ giúp chủ đầu tư chủ động được nguồn vốn, lập hồ sơ dự án chuẩn mực để tăng tính khả thi. Đồng thời, công tác lựa chọn nhà thầu cần nghiêm túc để lựa chọn được các đơn vị cung ứng tốt nhất, đem lại hiệu quả đầu tư cao nhất cho bệnh viện, người bệnh và cho cả Thành phố.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa TP. Thủ Đức chia sẻ, nhu cầu vay ưu đãi để đầu tư hệ thống trang thiết bị của Bệnh viện là rất lớn. Danh mục các thiết bị đã hết thời gian khấu hao ngày càng nhiều, trong khi nhu cầu người bệnh ngày càng tăng. Do đó, Bệnh viện rất muốn tham gia các dự án này, cần được hướng dẫn kỹ hơn về thủ tục để ngay khi được cấp vốn sẽ tiến hành mời thầu công khai mua sắm thiết bị.

Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định, hồ sơ vay ưu đãi theo chính sách cũ đã được duyệt cho vay đến 291 tỷ đồng để đầu tư thay thế khối điều trị nội trú. Các dự án này đã được đấu thầu công khai, lựa chọn được đơn vị cung ứng đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, do Bệnh viện có số lượng lượt thăm khám, điều trị lớn, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên, cơ sở vật chất hiện không đáp ứng được, nên Bệnh viện sẽ tiếp tục trình thêm các dự án để đồng bộ, hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị thông qua đấu thầu.

Chuyên đề