Lợi nhuận trước và sau kiểm toán: Lộ diện những khoản chênh giật mình

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hậu kiểm toán báo cáo tài chính bán niên 2023, không ít doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trồi sụt mạnh so với báo cáo tự lập trước đó, thậm chí có doanh nghiệp từ lãi chuyển thành lỗ. Điều này có thể gây thiệt hại cho các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đồng thời thêm một lần cảnh báo về chất lượng báo cáo tài chính cũng như sự minh bạch về số liệu kế toán do doanh nghiệp tự lập.
Mức lỗ ròng nửa đầu năm 2023 sau soát xét của Novaland lên tới 1.094 tỷ đồng, tăng 483 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Ảnh: Lê Tiên
Mức lỗ ròng nửa đầu năm 2023 sau soát xét của Novaland lên tới 1.094 tỷ đồng, tăng 483 tỷ đồng so với báo cáo tài chính tự lập. Ảnh: Lê Tiên

Nếu như tại báo cáo tài chính hợp nhất tự lập, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình báo lãi sau thuế 103,2 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, thì sau kiểm toán lại lỗ tới 711 tỷ đồng. So với báo cáo tài chính tự lập, nhiều khoản mục doanh thu và lợi nhuận trên báo cáo kiểm toán đã có những thay đổi lớn. Đơn cử, khoản lợi nhuận khác giảm từ 658,2 tỷ đồng xuống còn 6 tỷ đồng do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản của công ty mẹ. Doanh thu tài chính cũng giảm từ 95,6 tỷ đồng xuống còn 23,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng từ 535,5 tỷ đồng lên 627,4 tỷ đồng.

Chuyển từ lãi 17 tỷ đồng sang lỗ gần 74 tỷ đồng là trường hợp của Công ty Tài chính CP Tín Việt (VietCredit). Nguyên nhân là Công ty điều chỉnh phân bổ một số loại phí phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thông qua thẻ tín dụng, thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác. Việc này khiến thu nhập lãi thuần của Công ty giảm 16% từ 582 tỷ đồng xuống còn 488 tỷ đồng.

Đối với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland), mức lỗ ròng nửa đầu năm sau soát xét lên tới 1.094 tỷ đồng, tăng thêm 483 tỷ đồng so với báo cáo tự lập trước đó. Nguyên nhân được Novaland giải trình do trích lập dự phòng và điều chỉnh giảm thu nhập theo yêu cầu của kiểm toán.

Cũng “bay mất” hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận sau kỳ soát xét bán niên là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư F.I.T. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2023 sau kiểm toán của doanh nghiệp này chỉ còn gần 33 tỷ đồng, giảm 219 tỷ đồng (tương ứng 87%) so với báo cáo tự lập. Nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh sau soát xét là do điều chỉnh các bút toán hợp nhất kinh doanh trong nửa đầu năm. Trong đó, tác động lớn nhất là việc hủy các bút toán hợp nhất đánh giá lại khoản đầu tư vào công ty liên kết là Công ty CP Cap Padaran Mũi Dinh, khiến lợi nhuận giảm gần 225 tỷ đồng. Ngoài ra, đơn vị kiểm toán còn hủy các bút toán phân bổ giá trị tài sản, cùng bút toán hợp nhất liên quan đến loại trừ giao dịch nội bộ.

Một số doanh nghiệp khác có mức lợi nhuận thay đổi lớn giữa báo cáo tài chính tự lập và sau kiểm toán có thể kể đến Công ty CP Đầu tư năng lượng Trường Thịnh chuyển từ lãi 3,8 tỷ đồng thành lỗ 14,4 tỷ đồng, Công ty CP Tổng công ty Tín Nghĩa lợi nhuận ròng giảm từ 52 tỷ đồng xuống 42 tỷ đồng (tương ứng giảm 19,2%), Công ty CP COMA 18 lợi nhuận sau thuế giảm từ 12,6 tỷ đồng xuống còn 5 tỷ đồng…

Sau khi những chênh lệch về số liệu nêu trên đươc công bố, giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lập tức giảm mạnh. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 30/8 - ngày báo cáo tài chính bán niên được kiểm toán của Xây dựng Hòa Bình được công bố, giá cổ phiếu HBC của doanh nghiệp này đã giảm 2,43%, từ mức 10.450 đồng xuống còn 10.050 đồng. Giá cổ phiếu này sau đó tiếp tục giảm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/9 ở mức 9.420 đồng. Tương tự, cổ phiếu TIN của VietCredit đã giảm tới 11% trong phiên giao dịch ngày 14/8 - ngày báo cáo tài chính bán niên 2023 sau soát xét được công bố trên website của doanh nghiệp...

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ, tình trạng sai lệch báo cáo tài chính thường xuyên diễn ra nhưng xảy ra nhiều hơn ở các giai đoạn kinh tế khó khăn và ở các doanh nghiệp kinh doanh yếu kém. Ngoài yếu tố khách quan do năng lực nhân viên kế toán, không cập nhập kịp thời, đầy đủ chính sách thì còn có yếu tố chủ quan khi doanh nghiệp muốn làm đẹp báo cáo tài chính cho mục đích nào đó. Pháp luật hiện hành có tương đối đầy đủ chế tài xử lý về vấn đề sai phạm trong kế toán. Vì vậy, để thông tin đến với nhà đầu tư chính xác và rõ ràng hơn, các đơn vị giám sát ở Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa việc đánh giá báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Chuyên đề