Lợi nhuận doanh nghiệp thép lao dốc trước nhiều áp lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán SSI, lợi nhuận sau thuế quý III/2022 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát sẽ giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái do giá thép giảm, giá than cốc cao và lỗ tỷ giá do VND mất giá so với USD. Khó khăn của doanh nghiệp (DN) thép có thị phần lớn nhất cả nước này cũng là tình trạng chung của các DN trong ngành.
Giá thép và lượng tiêu thụ sụt giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: Nhã Chi
Giá thép và lượng tiêu thụ sụt giảm trong khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: Nhã Chi

Khó khăn chung của ngành thép đã được ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát chỉ ra tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra cuối tháng 5/2022. “Mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III, quý IV sẽ thấy kết quả thê thảm thế nào”, ông Long nói.

Tính đến ngày 19/10/2022, Hòa Phát chưa công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 nhưng sản lượng tiêu thụ phần nào cho thấy sự khó khăn. Cụ thể, sản lượng bán các sản phẩm thép trong tháng 9/2022 đạt 555.000 tấn, giảm 11,6% so với tháng trước, cùng với sản lượng tháng 7 (526.000 tấn) là 2 tháng tiêu thụ thấp nhất của Công ty kể từ tháng 2/2021. Nguyên nhân được Công ty chỉ ra là nhu cầu thị trường chung thấp kết hợp với mưa bão diễn biến phức tạp khiến việc tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, trong quý III/2022, sản xuất thép thành phẩm đạt 6,658 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ thép thành phẩm đạt 6,071 triệu tấn, giảm 2,7%, trong đó xuất khẩu giảm 1,21 triệu tấn, tương ứng giảm 43,8%. Tính chung 9 tháng đầu năm, tiêu thụ thép thành phẩm giảm 3,1%, đạt 21,26 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu đạt 4,864 triệu tấn, giảm 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, lãnh đạo một số DN thép cho biết, tiêu thụ sản phẩm thép sụt giảm rất nhiều. Với xuất khẩu, đơn hàng 9 tháng năm nay giảm 30 - 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các đơn hàng xuất khẩu những tháng đầu năm đều được ký từ năm ngoái, còn đơn hàng mới năm nay gần như không có. Thậm chí, một doanh nghiệp thép có thị phần lớn tại phía Nam đang có ý định bán lại nhà máy do khó khăn.

Công ty CP Thép Pomia - một DN sản xuất thép lớn cho biết phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và chấm dứt hợp đồng lao động với một loạt nhân viên. Nguyên nhân được Pomia lý giải là do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao trong khi giá bán sản phẩm thép giảm mạnh. Cùng với đó, thị trường bất động sản đang rất khó khăn, kéo nhu cầu sử dụng thép xuống thấp.

Một số DN đã công khai kết quả kinh doanh quý III/2022 như: Công ty CP Gang thép Cao Bằng lãi trước thuế 0,8 tỷ đồng (giảm mạnh so với con số 86,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái; Công ty CP Thép Thủ Đức - VNSTEEL lỗ hơn 23,4 tỷ đồng; Công ty Gang thép Thái Nguyên lỗ 25 tỷ đồng; Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL lỗ 23,8 tỷ đồng - quý lỗ nặng nhất kể từ năm 2009 đến nay.

Công ty CP Thép VICASA - VNSTEEL cho biết, xung đột Nga - Ukraine cùng những chính sách của Trung Quốc và tình hình lạm phát toàn cầu đã có tác động tiêu cực đến ngành thép, xây dựng trong nước. Bên cạnh đó, việc siết “room” tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản làm giảm nhu cầu sử dụng thép.

Thời gian qua cũng ghi nhận các tổ chức tín dụng bán đấu giá các khoản nợ của nhiều doanh nghiệp thương mại thép. Đơn cử, Agribank thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Gia Vượng, Công ty CP Đầu tư Khang Duy, Công ty CP Tư vấn và Đầu tư KDG, tài sản bảo đảm là những lô hàng hóa thép các loại.

Thêm vào đó, nhiều DN cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá USD/VND từ 3% lên 5% cũng tạo thêm áp lực mới cho DN thép trong nước. Lý do là nhiều DN ngành thép nhập khẩu lượng nguyên liệu tương đối lớn (thép phế, quặng, than cốc, than mỡ...), nên việc nới biên độ tỷ giá sẽ làm tăng chi phí đầu vào của DN.

Để tháo gỡ khó khăn, DN thép kiến nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp ổn định lãi suất cho vay, tránh tình trạng lãi suất quá cao như hiện nay; ổn định tỷ giá… để hỗ trợ DN quản trị chi phí sản xuất.

Chuyên đề