Lợi nhuận của FE Credit và HD Saison giảm mạnh

(BĐT) - Từng được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng là “con gà đẻ trứng vàng”, nhưng đóng góp của các công ty tài chính tiêu dùng cho các ngân hàng hiện đã giảm rõ rệt.
Tỷ trọng đóng góp của FE Credit trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank năm 2018 chỉ còn 44,7%. Ảnh: Minh Dũng
Tỷ trọng đóng góp của FE Credit trong tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank năm 2018 chỉ còn 44,7%. Ảnh: Minh Dũng

Điều này có thể được nhìn nhận từ Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) và Công ty Tài chính TNHH HD Saison - 2 trong 3 công ty tài chính có thị phần lớn nhất trong nước hiện nay.

Nhắc đến công ty tài chính tiêu dùng chắc chắn phải nghĩ ngay đến FE Credit - công ty con trực thuộc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Trong mảng tài chính tiêu dùng, FE Credit đang nắm giữ vị trí số 1 với hơn 50% thị phần. Các vị trí tiếp theo thuộc về Home Credit - công ty trực thuộc Tập đoàn Home Credit có trụ sở tại Séc và HD Saison - công ty liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) và Tập đoàn Credit Saison của Nhật Bản. Hơn chục công ty còn lại chia nhau miếng bánh nhỏ xấp xỉ 20% thị phần.

Đóng góp lên tới 51% tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank năm 2017, thậm chí 64,8% trong năm 2016, nhưng tỷ trọng đóng góp của FE Credit trong tổng lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng này năm 2018 chỉ còn 44,7%. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, lợi nhuận trước thuế của FE Credit năm 2018 đạt 4.119 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với con số mục tiêu đề ra là khoảng 5.000 tỷ đồng hay tương đương 50% tổng lợi nhuận hợp nhất của VPBank. Mức lợi nhuận này cũng thấp hơn so với con số 4.188 tỷ đồng mà FE Credit đạt được trong năm 2017.

Năm 2018, Công ty Tài chính TNHH HD Saison chỉ đóng góp 22,7% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.004 tỷ đồng của HDBank năm 2018, giảm mạnh so với tỷ lệ 38% của năm 2017.
Bên cạnh đó, tăng trưởng dư nợ cho vay của FE Credit cũng đang thấp hơn nhiều so với con số kỳ vọng của ban lãnh đạo doanh nghiệp này. Cụ thể, tính đến thời điểm cuối năm 2018, dư nợ cho vay của FE Credit đạt khoảng 53.270 tỷ đồng, tăng trưởng 16% so với thời điểm đầu năm (thấp hơn nhiều so với mức kỳ vọng hơn 30%). Từng tăng trưởng với mức 39,5% trong năm 2017, thậm chí lần lượt đạt mức 59% và 456% trong năm 2016 và 2015, con số 16% trong năm 2018 cho thấy dấu hiệu suy giảm trong hoạt động cho vay của FE Credit. Đây cũng là nguyên nhân chính “kìm hãm” lợi nhuận năm 2018 của FE Credit. Ngoài ra, lãnh đạo Công ty từng chia sẻ, Công ty còn phải tốn chi phí và nhân lực nhiều hơn vào công cuộc thu hồi nợ.

Ở HDBank, Công ty Tài chính TNHH HD Saison gần đây cũng tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Theo tính toán của Báo Đấu thầu, công ty tài chính này chỉ đóng góp 22,7% trong tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.004 tỷ đồng của HDBank năm 2018, giảm mạnh so với tỷ lệ 38% của năm 2017. Theo kế hoạch của HDBank, trong vòng 3 năm tới, đóng góp của công ty này vào lợi nhuận của Ngân hàng sẽ là 30 - 35%.

Home Credit dù là công ty tài chính có thị phần lớn thứ 2 tại Việt Nam song lại hiếm khi công bố kết quả hoạt động. Theo các tài liệu mà Báo Đấu thầu tổng hợp, tổng lợi nhuận sau thuế của Home Credit tại thị trường Việt Nam 9 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 35 triệu EUR, thấp hơn so với con số khoảng 50 triệu EUR đạt được trong 9 tháng đầu năm 2017.

Kết quả kinh doanh của Home Credit cũng không thể loại trừ trường hợp bị ảnh hưởng do 2 đối thủ lớn cạnh tranh trực tiếp là FE Credit và HD Saison. Bên cạnh đó là sự tham gia của nhiều công ty tài chính tiêu dùng mới của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank).

Những dấu hiệu trên cho thấy sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường tài chính tiêu dùng. Qua đó dẫn đến mức độ đóng góp của các công ty tài chính vào tổng lợi nhuận hợp nhất của các ngân hàng mẹ giảm sút.

Chuyên đề