Lợi ích lớn, vẫn hiếm công trình xanh

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Mặc dù đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội, nhưng số lượng công trình xanh (CTX) tại Việt Nam còn rất ít so với các nước trong khu vực. Theo nhiều chuyên gia, việc Nhà nước tiên phong đầu tư CTX có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Chính phủ chú trọng mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.

Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là công trình sử dụng vốn nhà nước đầu tiên đạt Chứng nhận Công trình xanh Lotus. Ảnh: St
Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là công trình sử dụng vốn nhà nước đầu tiên đạt Chứng nhận Công trình xanh Lotus. Ảnh: St

Công trình xanh chủ yếu vốn tư nhân

Trụ sở mới của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam là công trình sử dụng vốn nhà nước đầu tiên đạt Chứng nhận CTX Lotus - bộ chứng chỉ được xây dựng cho điều kiện Việt Nam, do Hội đồng CTX Việt Nam (VGBC) phát triển. Dự báo công trình sẽ tiết kiệm đến 49,7% năng lượng, 48,8% nước so với một công trình tương tự theo Quy chuẩn 09:2013/BXD về công trình sử dụng năng lượng hiệu quả.

Theo bà Phạm Thúy Loan - Viện phó Viện Kiến trúc quốc gia, CTX mang lại hiệu quả nhiều mặt về môi trường, lợi ích xã hội và các lợi ích kinh tế. Thống kê ở nhiều quốc gia cho thấy, ngành xây dựng chiếm khoảng 40% tổng mức tiêu thụ năng lượng và 25% tổng mức tiêu thụ nước hàng năm; trong đó 80% năng lượng tiêu thụ nằm ở giai đoạn vận hành công trình. Một ngành xây dựng tiết kiệm và hiệu quả về tài nguyên và năng lượng sẽ là lời giải quyết định cho bài toán năng lượng chung của các quốc gia.

Lợi ích, hiệu quả là thế, nhưng những công trình sử dụng vốn nhà nước đạt chuẩn CTX còn rất ít. Theo ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường thuộc Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có khoảng 165 CTX được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus, Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore). Trong đó, công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số, số công trình có vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ khiêm tốn.

Nên có lộ trình áp dụng với công trình vốn nhà nước

Nhìn ở con số chung, 165 CTX là con số mà Bộ Xây dựng đánh giá là còn thấp so với khu vực, tiềm năng của thị trường xây dựng Việt Nam. Bà Phạm Thúy Loan cho rằng, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm ở tất cả các nhóm chính sách để phát triển CTX, nhưng nên tập trung vào lựa chọn bộ chứng chỉ CTX chính thức và đề xuất lộ trình áp dụng cho các công trình vốn ngân sách. Nhà nước cần tiên phong thực hiện CTX cho các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công. Hiện nay, với tình hình thực tiễn của Việt Nam chỉ cần yêu cầu các công trình công làm theo tiêu chuẩn của Lotus ở mức đạt. Mức này không quá khó, chi phí phát sinh chỉ chiếm 1% tổng mức đầu tư.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Tư vấn CTX GreenViet, chia sẻ, rào cản phát triển CTX chủ yếu nằm ở tâm lý ngại thay đổi và thiếu động lực thay đổi của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế; nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; thiếu sự quyết liệt từ cơ quan quản lý. Vai trò của chủ đầu tư rất lớn trong việc yêu cầu tư vấn thiết kế, nhà thầu phải thực hiện CTX.

Ông Đỗ Hữu Nhật Quang cho biết, một số quốc gia như Trung Quốc bắt buộc áp dụng CTX cho công trình ngân sách tại thành phố lớn. Ông Quang đề xuất thử nghiệm chính sách ở công trình sử dụng vốn ngân sách bằng cách chọn công trình đã có thiết kế cơ sở và công trình mới ngay từ đầu. Chi phí tăng thêm do áp dụng chuẩn CTX sẽ làm công trình tốt hơn, nhưng có thể giảm chi phí vận hành về sau.

Các chuyên gia của VGBC thì nhận định, với dự án mới, việc thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng sẽ không tốn thêm nhiều chi phí nếu như các bên ngồi lại với nhau ngay từ đầu, có sự liên kết từ khâu thiết kế đến khâu hoàn thiện của công trình. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia chương trình thiết kế xanh và tiết kiệm năng lượng. Về lâu dài, Chính phủ cũng cần có chế tài, cộng với các quy chuẩn bắt buộc giới chủ đầu tư áp dụng cho công trình của mình, bên cạnh những chính sách ưu đãi.

Về chính sách phát triển CTX nói chung, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu hướng dẫn nội dung về phát triển công trình hiệu quả năng lượng, CTX để hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng (Nghị định quản lý dự án, Nghị định về quản lý vật liệu xây dựng, Thông tư hướng dẫn đánh giá, chứng nhận công trình hiệu quả, CTX…). Bộ sẽ nghiên cứu, rà soát, bổ sung, xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá, suất đầu tư liên quan đến công trình hiệu quả năng lượng và CTX. Đồng thời, hỗ trợ kỹ thuật cho chủ dự án, về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các CTX.

Ông Thịnh cũng đề xuất cần có chính sách về tín dụng xanh, lãi suất vay đối với CTX có thể thấp hơn 1 - 2% lãi suất thương mại thông thường.

Chuyên đề