Loạt dự án phải “thay ngựa giữa dòng” tại TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại TP.HCM, một số dự án bị ngưng trệ thi công trong thời gian dài vì nhiều lý do, buộc phải thay nhà thầu giữa chừng để tiếp tục hoàn tất thi công. Trong đó, có gói thầu quá chậm trễ thực hiện thanh lý hợp đồng, đấu thầu lại khiến mục tiêu cấp bách của công trình bị ảnh hưởng, công tác giải ngân bế tắc.
Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa có tổng chiều dài 9,5 km, tổng kinh phí 1.342 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì năng lực thi công của các nhà thầu hạn chế. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa có tổng chiều dài 9,5 km, tổng kinh phí 1.342 tỷ đồng, được triển khai từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thể hoàn thành vì năng lực thi công của các nhà thầu hạn chế. Ảnh minh họa: Nhã Chi

2 dự án phải thay nhà thầu mới

Gói thầu Xây lắp thuộc Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) được công bố kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 12/2019, Công ty CP Lạc An trúng thầu với giá 33,56 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 180 ngày. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, Nhà thầu Lạc An không đảm bảo tiến độ đề ra. Kể từ tháng 6/2022, nhà thầu này đã rút toàn bộ thiết bị, nhân sự khỏi công trình, ngừng thi công. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết đã tiến hành các thủ tục chấm dứt hợp đồng với Công ty CP Lạc An dựa trên đề xuất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông (Chủ đầu tư).

Tháng 9/2023, Gói thầu Xây lắp 2 thuộc Dự án Mở rộng đường Đồng Văn Cống (đoạn từ cầu Giồng Ông Tố 2 đến nút giao thông Mỹ Thủy) được công bố mời thầu. Tháng 10/2023, Gói thầu có giá trị 27,62 tỷ đồng được trao cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Vận tải Xây dựng giao thông T&T với giá trúng thầu 27,573 tỷ đồng, thời gian thực hiện 150 ngày. Theo Chủ đầu tư, các đơn vị đang nỗ lực đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2024.

Trong khi đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Thủ Đức vừa hoàn tất lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu Xây lắp (phần khối lượng còn lại) thuộc Dự án Xây dựng hệ thống thoát nước đường Võ Văn Ngân. Trước đó, tháng 10/2020, Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh được công bố trúng Gói thầu Xây lắp thuộc dự án trên với giá 100,999 tỷ đồng (giá gói thầu là 101,625 tỷ đồng); thời gian thực hiện hợp đồng 510 ngày, dự kiến hoàn thành ngày 25/5/2022. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chủ đầu tư, Nhà thầu thi công không đảm bảo tiến độ, tổng khối lượng công việc mới đạt hơn 50%, dù được gia hạn nhiều lần nhưng khả năng hoàn thành Dự án vào tháng 12/2023 là không khả thi. Do đó, Chủ đầu tư đã có văn bản đề xuất Sở Xây dựng chấp thuận phương án chấm dứt hợp đồng với Nhà thầu.

Gói thầu Xây lắp (phần khối lượng còn lại) với giá trị 54,631 tỷ đồng đã được mời thầu vào tháng 12/2023, “chốt” kết quả vào đầu tháng 1/2024. Nhà thầu trúng thầu đang huy động nhân sự, thiết bị để triển khai các hạng mục còn lại, cố gắng hoàn tất công trình trong 270 ngày.

Nhà thầu bê trễ tại Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa

Ngày 19/1/2024, Sở GTVT TP.HCM có văn bản gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Thành phố về việc đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng đối với các công trình chống sạt lở bán đảo Thanh Đa giai đoạn 3.

Theo Sở GTVT, qua kiểm tra đột xuất, Gói thầu số 11 thuộc Dự án Chống sạt lở bán đảo Thanh Đa bộc lộ loạt bất cập. Hiện trên phạm vi công trình, nhà thầu thi công không có thiết bị máy móc, nhân lực, vật tư để triển khai thi công. Theo báo cáo của Chủ đầu tư, tư vấn giám sát, đơn vị thi công (Công ty CP Tập đoàn Anh Vinh) đã hoàn thành 502/852 m và ngưng thi công từ tháng 6/2022. Mặt bằng đã được bàn giao từ tháng 6/2022 nhưng đến nay đơn vị thi công vẫn không bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực và vật tư để tiếp tục thi công.

“Sở GTVT nhận thấy tiến độ triển khai thực hiện Dự án chậm so với quy định, số lượng nhân lực, máy móc thi công không đáp ứng theo đúng yêu cầu của hồ sơ dự thầu mà nhà thầu đề xuất. Việc chậm triển khai thi công đã gây ảnh hưởng đến mục tiêu phòng tránh sạt lở cấp bách, bảo đảm an toàn, tính mạng, tài sản cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, đặc biệt gây mất niềm tin của các hộ dân đã nghiêm túc chấp hành, bàn giao mặt bằng thi công”, Sở GTVT TP.HCM cho biết.

Điều đáng nói, dù Sở GTVT TP.HCM đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng việc thi công công trình không có chuyển biến. Trong khi đó, cuối tháng 12/2023, dự án này được UBND TP.HCM giao kế hoạch vốn là 170,598 tỷ đồng. “Với tiến độ thi công như hiện nay sẽ không đảm bảo việc giải ngân theo kế hoạch vốn được giao”, Sở GTVT TP.HCM quan ngại.

Để đẩy nhanh tiến độ, tăng cường công tác quản lý chất lượng, Sở GTVT đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông khẩn trương xem xét trách nhiệm của nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan trong việc chậm trễ thi công, xử lý theo điều khoản của hợp đồng và quy định của pháp luật. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc chậm trễ thi công dẫn đến phải điều chỉnh dự án (thời gian thực hiện, điều chỉnh thiết kế, tổng mức đầu tư…).

Chuyên đề