Loạt dự án giao thông trọng điểm tại ĐBSCL: Lãng phí nguồn lực vì thiếu vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng, trong đó có 8 dự án đang tổ chức thi công. Dù các nhà thầu đã huy động nhân lực, thiết bị, phương tiện hùng hậu sẵn sàng triển khai thi công, nhưng bế tắc về nguồn vật liệu khiến nhiều công trình thi công cầm chừng, lãng phí nguồn lực của nhà thầu.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, 6 dự án giao thông có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, 6 dự án giao thông có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025. Ảnh: Tiên Giang

Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, Dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 đang triển khai thi công 4 gói thầu xây lắp với tổng giá trị 5.985,514 tỷ đồng. Tuy nhiên tiến độ đều chậm so với hợp đồng do thiếu nguồn cát san lấp. Tổng giá trị thực hiện của 4 gói thầu đến ngày 16/10/2024 đạt 722,389 tỷ đồng, bằng 12,07% giá trị hợp đồng. “Tiến độ thực hiện 4 gói thầu xây lắp chậm 15,51% so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu do công suất khai thác, cung ứng vật liệu cát đắp chưa đáp ứng yêu cầu”, UBND TP. Cần Thơ cho biết.

Trong khi đó, theo UBND tỉnh Hậu Giang, tại Dự án thành phần 3 đoạn qua địa bàn tỉnh Hậu Giang thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, các nhà thầu đang tập trung triển khai trên 40 mũi thi công với hơn 100 tổ, đội, tập trung thi công các cầu, khối lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 1.300/5.421 tỷ đồng, bằng 24% giá trị hợp đồng. Các nhà thầu phấn đấu cuối năm 2024 hoàn thành 21/24 cầu, đạt 90% các cầu trên toàn tuyến. Giá trị giải ngân đến nay là 2.711/3.912,5 tỷ đồng, đạt 69,2%. Đối với nguồn vốn được bố trí năm 2024, đến nay đã giải ngân được 1.466/2.668 tỷ đồng, đạt 56% kế hoạch.

“Các nhà thầu cam kết giải ngân nguồn vốn năm 2024 đạt tối thiếu 95% kế hoạch, Tỉnh thường xuyên kiểm tra tiến độ, đôn đốc nhà thầu thực hiện theo đúng cam kết. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Dự án đã bộc lộ rõ. Cụ thể, hiện nay mỏ cát trên địa bàn tỉnh An Giang phục vụ Dự án thành phần 3 đã điều chuyển cho Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Để không bị gián đoạn trong quá trình khai thác, ảnh hưởng đến quá trình thi công, tỉnh Hậu Giang kiến nghị Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận lập thủ tục điều chuyển một phần khối lượng cát cho Dự án thành phần 3”, UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị.

Bộ GTVT nhận định, trong số dự án đang triển khai tại ĐBSCL, có tới 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207 km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000 km cao tốc; 2 dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Dự án Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Dự án Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Dự án thành phần 1 Cao Lãnh - An Hữu có kế hoạch hoàn thành năm 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ...

Để đảm bảo tiến độ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 người, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (riêng Dự án Cần Thơ - Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 người). Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15%, chỉ có Dự án thành phần 1 thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Dự án cầu Rạch Miễu 2, Dự án cầu Đại Ngãi đáp ứng tiến độ.

Lãnh đạo Bộ GTVT nhận định, nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu, gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng tới hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án. Đặc biệt, đối với Dự án Cần Thơ - Cà Mau và Dự án đường Hồ Chí Minh, cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành vào 31/12/2025. Tuy nhiên, hiện nay, tại Dự án Cần Thơ - Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày chỉ đạt 54.000 m3/76.000 m3. Tại Dự án Đường Hồ Chí Minh mới thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. “Nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ”, Bộ GTVT quan ngại.

Để tránh lãng phí nguồn lực, Bộ GTVT kiến nghị cần quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu phối hợp chặt chẽ với các địa phương có mỏ vật liệu để hoàn thiện thủ tục cấp mỏ, đảm bảo nguồn vật liệu cát, đá, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công; xây dựng phương án tập kết vật liệu đá về công trường gửi các địa phương để chủ động trong việc điều tiết, cung ứng; chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu căn cứ kế hoạch hoàn thành dự án, xây dựng và ban hành kế hoạch chi tiết “đường găng tiến độ”.

Chuyên đề