Loạt dự án dầu khí kỳ vọng tạo cơ hội cho PV Drilling

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi ghi nhận thua lỗ trong năm 2022 do áp lực chi phí lãi vay, tỷ giá tăng cao, lợi nhuận của Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling) được kỳ vọng sẽ phục hồi trong năm 2023 nhờ điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn.

Nặng gánh lãi vay, tỷ giá năm 2022

Kết thúc năm 2022, PV Drilling gây bất ngờ khi lần đầu tiên báo lỗ kể từ khi lên sàn chứng khoán vào năm 2006. PV Drilling báo lỗ trong một năm mà điều kiện kinh doanh được đánh giá là thuận lợi hơn giai đoạn trước nhờ sự hồi phục mạnh của giá dầu thế giới thúc đẩy nhu cầu đầu tư thăm dò, khai thác dầu khí tăng trở lại, nhu cầu và giá thuê giàn khoan hồi phục.

Kết quả kinh doanh năm 2022 của PV Drilling phần nào phản ánh xu hướng tích cực của môi trường kinh doanh với doanh thu thuần đạt 5.431 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2021, trong đó doanh thu từ thị trường nước ngoài đóng góp hơn 40%; lợi nhuận gộp tăng trưởng 55,8%, đạt 578,4 tỷ đồng. Sau khi tạo đáy vào quý I/2022, lợi nhuận của Tổng công ty đã có 3 quý phục hồi liên tiếp, giảm lỗ vào quý II và quý III, có lãi trở lại trong quý IV/2022. Riêng quý IV/2022, biên lợi nhuận gộp được cải thiện đáng kể từ 10,2% lên 17,9% giúp lợi nhuận gộp tăng 92,2% so với quý IV/2021 dù doanh thu thuần chỉ tăng 9,3%. Đây cũng là mức biên lợi nhuận gộp cao nhất của PV Drilling trong nhiều năm trở lại đây. Tuy vậy, kết quả này chưa đủ bù đắp sự gia tăng của các loại chi phí tài chính, chủ yếu là chi phí lãi vay và tỷ giá. Chốt năm 2022, PV Drilling lỗ ròng gần 151 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của PV Drilling, tính đến cuối năm 2022, Tổng công ty có số dư nợ vay là 3.835 tỷ đồng. Gần như toàn bộ các khoản vay được tính bằng đồng USD tài trợ đầu tư tài sản cố định là các giàn khoan, lãi vay được thả nổi theo lãi suất Libor cộng biên độ. Trong bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới liên tục tăng lãi suất, đồng USD tăng giá 3,5% so với VND trong năm 2022, lãi suất Libor tăng vọt khiến chi phí tài chính của PV Drilling tăng 83% trong năm 2022, trong đó chi phí lãi vay tăng 54% dù dư nợ vay giảm so với đầu năm. Riêng quý IV/2022, chi phí lãi vay của Tổng công ty lên đến 60,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,22 lần cùng kỳ năm 2021.

Mặc dù các hợp đồng kinh tế cho thuê giàn khoan của PV Drilling chủ yếu được ký kết bằng đồng USD, nhưng do những khó khăn của môi trường kinh doanh, doanh thu thấp, Tổng công ty phải gánh lỗ. Doanh thu, lợi nhuận giảm sút, dòng tiền kinh doanh âm hoặc thặng dư thấp cũng ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ trả các khoản nợ vay của PV Drilling những năm gần đây.

Bên cạnh chi phí lãi vay tăng cao, trong năm 2022, PV Drilling đã đẩy mạnh trích lập thêm 125 tỷ đồng nợ xấu khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 28,5%, trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận. Tuy vậy, điều này giúp giá trị nợ xấu được trích lập dự phòng đến cuối năm đạt 87%, giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Nguồn: Báo cáo tài chính của PV Drilling

Nguồn: Báo cáo tài chính của PV Drilling

Chờ loạt dự án lớn ngành dầu khí

Sau giai đoạn khó khăn, việc giá dầu tăng trở lại thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, tác động tích cực đến bức tranh kinh doanh của PV Drilling.

Trong báo cáo tháng 1/2023, bộ phận phân tích Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) nhận định, cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây đã mang lại triển vọng tích cực hơn cho nhiên liệu hóa thạch. Ngành khoan dầu có thể được hưởng lợi từ nhu cầu khoan tăng, mở ra triển vọng tốt hơn cho giá thuê giàn khoan theo ngày.

Lãnh đạo PV Drilling cho biết, các giàn khoan của Tổng công ty dự kiến có việc làm liên tục và ổn định cho cả năm 2023 với đơn giá dịch vụ tăng 40% - 50% so với năm 2022.

Trong quý IV/2022 và tháng 1/2023 - giai đoạn IHS Markit ghi nhận mức giá hợp đồng cho thuê giàn khoan theo ngày cao nhất kể từ năm 2015, PV Drilling đã công bố thông tin về việc ký mới 4 hợp đồng thuê giàn khoan.

Thêm vào đó, PV Drilling cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ các dự án dầu khí trong nước với biên lợi nhuận cao hơn các dự án ở thị trường nước ngoài trong bối cảnh sản lượng các mỏ hiện hữu sụt giảm, áp lực đẩy nhanh tiến độ các dự án mới ngày càng cấp thiết. “Cú huých” được chờ đợi nhất là đại Dự án dầu khí Lô B - Ô Môn có thể sớm tái khởi động trong năm 2023 sau nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tại dự án này, riêng phần khối lượng công việc phát triển mỏ khí dự kiến sẽ bao gồm 750 giếng khai thác, có thể mang lại nguồn việc làm dồi dào cho Tổng công ty trong nhiều năm.

Nối tiếp Lô B - Ô Môn, loạt dự án dầu khí quy mô lớn khác như Mỏ khí Cá Voi Xanh, Mỏ khí Nam Du - U Minh…. đã được lên kế hoạch phát triển. Luật Dầu khí (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2023 sẽ tạo khung pháp lý rõ ràng hơn cho hoạt động dầu khí, bao gồm cả việc đầu tư mới vào các dự án thăm dò và khai thác, mở ra triển vọng công việc gối đầu lớn cho các doanh nghiệp.

Về tài chính, mặc dù mặt bằng lãi suất hiện vẫn ở mức cao nhưng áp lực tăng lãi suất đã thấp hơn so với năm 2022. Áp lực mất giá của VND so với USD hiện cũng đã dịu đi đáng kể. Môi trường kinh doanh thuận lợi hơn được kỳ vọng giúp PV Drilling cải thiện dòng tiền, có dư địa tăng tốc độ trả nợ vay, giảm áp lực chi phí tài chính, cải thiện biên lợi nhuận.

Chuyên đề