Loạt cao tốc chục nghìn tỷ sắp được triển khai ở phía Nam

0:00 / 0:00
0:00
Vùng kinh tế phía Nam sẽ có 5 tuyến cao tốc, nối TPHCM với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long giúp giảm tải cho các quốc lộ và phát triển kinh tế xã hội.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Đây là tuyến cao tốc được kỳ vọng sớm triển khai. Cao tốc này được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư công, tổng vốn 17.837 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vận tải Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án có tổng chiều dài hơn 53km, điểm đầu kết nối tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua TP.Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), điểm cuối giao với quốc lộ 56 thuộc TP.Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). Cao tốc này dự kiến hoàn thành năm 2025, giúp giảm tải quốc lộ 51 và đồng bộ các tuyến đường khác trên hành lang vận tải TP HCM-Vũng Tàu.

Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc sớm đầu tư và hoàn thành dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và cả vùng Đông Nam Bộ. Đồng thời, bảo đảm kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành để hình thành hệ thống giao thông kết nối liên vùng.

Cao tốc TPHCM-Mộc Bài

Cao tốc này đã được UBND TPHCM đề xuất bố trí vốn làm các công tác lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư trong năm nay theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuyến đường dài khoảng 50km, điểm đầu giao Vành đai 3 TPHCM, điểm cuối ở Khu kinh tế Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Tổng vốn đầu tư giai đoạn một dự án khoảng 15.900 tỷ đồng, làm trước 4 làn xe và nâng lên 6-8 làn khi hoàn thiện.

Khu vực phía Nam sắp có thêm loạt cao tốc.

Khu vực phía Nam sắp có thêm loạt cao tốc.

Kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án khoảng 7.400 tỷ đồng, trong đó phía TPHCM hơn 5.900 tỷ đồng. Dự kiến, công trình công trình khởi công năm 2023, hoàn thành năm 2026. Tuyến đường sẽ hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối các trung tâm kinh tế, cửa khẩu, đô thị... trong vùng.

Cao tốc Dầu Giây-Đà Lạt

Tuyến cao tốc dài hơn 200km từ thị trấn Dầu Giây (huyện Thống Nhất, Đồng Nai) đến đầu đường cao tốc Liên Khương-Đà Lạt (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), được chia ra làm 3 dự án thành phần.

Thứ nhất, dự án từ Dầu Giây đến Tân Phú dài 60km qua các huyện Thống Nhất, Định Quán và huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), tổng kinh phí 6.400 tỷ đồng. Tuyến đường thiết kế 4 làn xe, tốc độ 80-100 km/h.

Thứ hai, dự án từ Tân Phú đi Bảo Lộc dài 67km với 18.000 tỷ đồng. Tuyến đường sẽ đi qua các huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), Đạ Huoai, Đạ Tẻl, Bảo Lâm và TP.Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng). Giai đoạn đầu, đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Thứ ba là dự án từ Bảo Lộc đi Liên Khương dài 73km với 12.000 tỷ đồng, thiết kế đường 4 làn xe, tốc độ 100 km/h.

Dự kiến, cao tốc này sẽ được khởi công trong quý 3/2022 và hoàn thành năm 2025, giúp giảm tải cho quốc lộ 20.

Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu

Tuyến cao tốc này dài hơn 27 km, nối Tiền Giang qua Đồng Tháp, dự kiến giải phóng mặt bằng giai đoạn 2022-2023; thi công năm 2023 và cơ bản hoàn thành năm 2025. Điểm đầu công trình giao cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp); điểm cuối kết nối cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận tại huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang). Dự kiến, tuyến cao tốc này sẽ xây dựng trước 4 làn xe, rộng 17m, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng từ ngân sách.

Cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng

Dự án này dài hơn 188km với tổng mức đầu tư hơn 44.300 tỷ đồng, thi công ở giai đoạn 2023-2025, hoàn thành toàn bộ năm 2027. Điểm đầu dự án kết nối quốc lộ 91 thuộc TP.Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Dự án sẽ làm trước 4 làn xe, rộng 17m, vận tốc 80 km/h.

Chuyên đề