Loạn giá vật liệu tại miền Trung

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Không ít nhà thầu xây lắp các dự án hạ tầng tại miền Trung đang phải gánh chịu những khoản chi phí rất lớn khi mua đất đắp, san nền và cát xây dựng cho các công trình, dự án.
Nhà thầu chịu thiệt khi giá vật liệu công bố một đằng, bán một nẻo. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Nhà thầu chịu thiệt khi giá vật liệu công bố một đằng, bán một nẻo. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Nhà thầu PGT đang thi công khu dân cư phục vụ tái định cư Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn qua địa phận huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Khoảng 4 tháng nay, nhà thầu này gặp những bất lợi ngoài dự tính. Đó là chi phí vật liệu tăng đột biến, phương tiện vận chuyển vật liệu khan hiếm. Ban đầu, Nhà thầu ký hợp đồng với đơn vị vận chuyển 10 xe ô tô tải, tuy nhiên có ngày chỉ còn 5 xe chở vật liệu. Đơn vị cung ứng dịch vụ cho biết, 5 xe kia đang vận chuyển cho nhà thầu khác vì tiền trả cao hơn. Để có phương tiện vận chuyển vật liệu phục vụ san nền kịp tiến độ, Nhà thầu phải liên tục tăng chi phí. “Số lượng xe vận chuyển tại Quảng Ngãi chỉ khoảng 200 xe, nay nhu cầu tăng gấp đôi nên đang có sự cạnh tranh, thậm chí giành giật phương tiện vận chuyển”, Nhà thầu PGT cho biết thêm.

Một nhà thầu thi công tuyến vành đai phía Tây tỉnh Quảng Nam qua huyện Đại Lộc chia sẻ, việc tăng chi phí vận chuyển trên từng chuyến đã diễn ra lâu nay, nhưng thường được tính vào giá thành của khối lượng, nay thì tách riêng ra. Nhà thầu phải chấp nhận, nếu không thì không có xe chở nguyên vật liệu.

Ngoài chi phí vận chuyển, chi phí vật liệu tăng mấy tháng qua khiến nhà thầu “phát sốt”. Giá bán vật liệu công bố 3 bên (sở quản lý, đơn vị khai thác, nhà thầu) là 150 nghìn đồng/m3 cát, nhưng thực tế đơn vị cung ứng bán với giá hoàn toàn khác. “Giá thống nhất bán là 156 nghìn đồng/m3 cát; 44 nghìn đồng/m3 đất vật liệu nền nhưng khi mua lại tăng gấp 3 lần, không có hóa đơn, chứng từ, không ký hợp đồng, mua thì lỗ mà không mua thì không có vật liệu để thi công. Đây thực sự là khoảng trống về giá mà nhà thầu phải ngậm ngùi chấp nhận”, nhà thầu này cho biết thêm.

Bên cạnh đó, có tình trạng hai địa phương lân cận nhưng giá vật liệu công bố chênh lệch nhau khá lớn. Thực trạng này diễn ra tại Phú Yên, Bình Định và Khánh Hoà, nơi đang triển khai hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh và đoạn Chí Thạnh - Vân Phong.

Trong chuyến làm việc tại Phú Yên mới đây, ông Lê Quyết Tiến - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ Giao thông vận tải cho biết, qua rà soát, so sánh giá một số vật liệu chủ yếu cho dự án ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, đang có sự chênh lệch giá tương đối lớn. “Ví dụ, đá 1cm x 2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3, Phú Yên công bố 459.000 đồng/m3; cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 nhưng Phú Yên là 299.000 đồng/m3; cát tại Bình Định có giá 95.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 190.000 đồng/m3; đất tại Bình Định công bố 30.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 120.000 đồng/m3", ông Tiến cho hay.

Điều này cũng được một nhà thầu đang thi công tuyến cao tốc qua Phú Yên xác nhận: “Giá vật liệu thực tế ngoài thị trường tại các mỏ ở tỉnh Phú Yên đang cao gấp 2, gấp 3 lần so với giá dự toán độc lập. Cụ thể, giá cát tỉnh Phú Yên công bố 190.000 đồng/m3 đã cao, nhưng khảo sát giá từ chủ mỏ còn cao hơn, lên đến gần 300.000 đồng/m3”.

Trước phản ánh trên, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên khẳng định, các mỏ mua sẵn hiện nay niêm yết giá bán theo giá công bố của Sở Xây dựng. Nếu có chứng cứ việc chênh lệch giữa giá niêm yết và giá bán thì đề nghị các nhà thầu báo ngay về Sở Xây dựng để xử lý.

Đại diện Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho rằng, giá công bố một đằng, bán một nẻo là vi phạm Luật Giá. Nếu phát hiện mỏ vi phạm, sẽ tiến hành thanh tra, xử lý.

Làm việc với các nhà thầu, chủ đầu tư, các sở về Dự án cao tốc Bắc - Nam và các dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi sáng 29/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh nhấn mạnh: “Trường hợp phát hiện các doanh nghiệp nâng giá bất thường, bán giá cao hơn giá kê khai và thông báo giá thì phải xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.

Chuyên gia Ngô Gia Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá và Giám định Việt Nam (VAI) cho rằng, rất khó để quản lý “khoảng trống” giá này. Các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc kê khai, niêm yết và giá bán vật liệu. Ngoài ra, theo ông Cường, Nghị quyết 119/NQ-CP sửa đổi, bổ sung điểm b Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 18/NQ-CP về cơ chế đặc thù khai thác các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng chỉ định thầu cho nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đối với những mỏ khoáng sản chưa cấp giấy phép khai thác) sẽ góp phần hạn chế tình trạng công bố giá một đằng, bán một nẻo.

Chuyên đề