Lo ngại về chất lượng dòng tiền của PVComBank

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Phải đợi đến tháng 6/2020, một vài con số vắn tắt về tình hình tài chính hợp nhất năm 2019 của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVComBank) mới được công bố thông qua Báo cáo thường niên.
Lo ngại về chất lượng dòng tiền của PVComBank

Dù ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong 5 năm gần nhất (2015 - 2019) nhưng hoạt động của PVCombank vẫn cho thấy những điều đáng lo ngại về chất lượng dòng tiền kinh doanh.

Theo báo cáo thường niên 2019, PVComBank lãi sau thuế 209,5 tỷ đồng, tăng gấp 2,41 lần so với năm 2018. Đây là mức lãi ròng cao nhất của nhà băng này trong vòng 5 năm trở lại đây (2015 - 2019).

Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của PVComBank trong năm 2019 là 9.844 tỷ đồng. Tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy số thực thu chỉ là 7.425 tỷ đồng, thấp hơn số báo cáo gần 2.419 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thực chi trả phí lãi đã thanh toán là 7.599 tỷ đồng.

Tình trạng này tương tự như năm 2017, khi thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự nhận được là 4.429 tỷ đồng nhưng chi phí lãi và các chi phí tương tự đã trả lên tới 6.055 tỷ đồng. Hay như trong năm 2016, chênh lệch giữa số tiền thu và chi từ hoạt động tín dụng của PVComBank cũng âm gần 277 tỷ đồng.

Thực trạng này đã kéo dài suốt nhiều năm qua, cho thấy PVComBank cho vay tiền nhưng không thu được lãi, trong khi vẫn phải thanh toán lãi đối với các khoản tiền gửi tương ứng. Nguyên nhân có thể do nợ xấu (tiềm ẩn) chưa được xử lý hiệu quả.

Theo báo cáo tài chính riêng 2019, tổng nợ xấu của PVComBank tại thời điểm cuối năm 2019 khoảng 918 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,17% so với 2,48% cuối năm 2018. Nhưng nếu tính cả nợ xấu của VAMC đã mua chưa xử lý được thì con số này vào khoảng 6.016 tỷ đồng (tăng 4% so với cuối năm 2018), tương ứng tỷ lệ nợ xấu ở mức 7,68% so với 7,87% vào cuối năm 2018.

Cũng giống như nhiều ngân hàng khác, PVComBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng khả quan trong năm 2019. Cụ thể, số dư cho vay khách hàng cuối năm 2019 đạt 78.289 tỷ đồng, tăng 12,76% so với thời điểm đầu năm.

Theo một nguồn tin của Báo Đấu thầu, PVComBank hiện đang là nhà tài trợ vốn cho một loạt doanh nghiệp khoáng sản, địa ốc, tài chính nắm giữ cả trăm triệu cổ phần của chính ngân hàng này.

Trong số đó, có thể kể đến Công ty CP Đầu tư Địa Việt. Doanh nghiệp này từng cầm cố hàng chục triệu cổ phần PVComBank (mã chứng khoán PVB) tại Techcombank, SeABank.

Hiện người đại diện theo pháp luật của Đầu tư Địa Việt là ông Trần Quốc Tuấn (SN 1989) cũng từng cầm cố 1,1 triệu cổ phần PVComBank tại SeABank. Một nhân sự chủ chốt của Đầu tư Địa Việt là bà Trịnh Thị Hà (SN 1979) cũng từng là người đại diện theo pháp luật, kiêm Chủ tịch HĐTV của Công ty TNHH Bất động sản HA Quận Ba - doanh nghiệp cũng từng cầm cố 17 triệu cổ phần PVComBank tại Techcombank. Cũng phải kể đến Công ty TNHH Cốc Hóa Tây Giang - doanh nghiệp từng cầm cố hơn 40 triệu cổ phần PVComBank tại SeABank.

Bên cạnh đó, bà Trịnh Thị Hà đã và đang đóng vai trò quan trọng tại một loạt các doanh nghiệp khác như Công ty CP Phát triển Đầu tư - Xây dựng Bách Giang, Công ty CP Đầu tư Bất động sản I.P, Công ty CP Veracity, Công ty CP Familia, Công ty CP Thương mại Đầu tư sản xuất HN… Đây cũng là những doanh nghiệp nhiều năm thực hiện thu xếp vốn thông qua PVComBank.

Ngoài ra, PVComBank còn là bệ đỡ cho nhiều doanh nghiệp có liên quan đến cá nhân Đỗ Mạnh Tùng, Công ty CP Cốc Hóa Tây Giang Cao Bằng….

Không chỉ là người thu xếp vốn, PVComBank và công ty thành viên là Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) cũng thực hiện nhiều thương vụ trái phiếu khác cho nhóm doanh nghiệp trên, đơn cử như thương vụ phát hành trái phiếu 1.135 tỷ đồng của Veracity - chủ đầu tư Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building tại khu đất 216 đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Chuyên đề