Lo ngại khó huy động vốn cho các dự án cao tốc Bắc – Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tổng hợp từ ý kiến của nhiều nhà đầu tư, Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Văn bản thể hiện sự lo ngại các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) cao tốc Bắc - Nam phía Đông dù có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu nhưng có thể vẫn gặp khó ở các bước tiếp theo.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), trong 5 dự án thành phần của Dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông đầu tư theo phương thức PPP, đến hết thời điểm gia hạn đóng thầu có 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và 1 dự án thành phần không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu (Nghi Sơn - Diễn Châu).

Bộ GTVT cho biết, đối với 4 dự án thành phần có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, bên mời thầu đang đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, trình phê duyệt kết quả đánh giá đề xuất kỹ thuật; nhà đầu tư đạt điểm kỹ thuật theo yêu cầu sẽ được tiếp tục mở và đánh giá đề xuất tài chính thông qua phương pháp vốn góp nhà nước để đánh giá về tài chính - thương mại; các thông số khác như thời gian hoàn vốn, mức giá dịch vụ... sẽ được xác định cố định. Nhà đầu tư có đề xuất giá trị vốn góp nhà nước thấp nhất và không vượt giá trị vốn góp tối đa của Nhà nước đã quy định trong hồ sơ mời thầu sẽ được xem xét đề nghị trúng thầu. Trên cơ sở kết quả đánh giá về tài chính, bên mời thầu trình phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020.

Tuy nhiên, VARSI cho rằng, ngay cả với 4 dự án có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu, thách thức lớn nhất là huy động vốn tín dụng. Nguyên nhân là do các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn. Bên cạnh đó, các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng.

Thực tế, trong hơn hai năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến tình trạng doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, làm cho các ngân hàng lo lắng. Đặc biệt, hệ số an toàn vốn của các ngân hàng đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Theo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại, việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành. Các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng.

VARSI cho biết, trong khi các khó khăn về huy động vốn tín dụng, thì theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng.

“Với hàng loạt khó khăn, cơ hội để các nhà đầu tư tiếp cận được các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía đông là rất thấp”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI chia sẻ.

Theo ông Trần Chủng, chỉ khi nào, cơ chế của phương thức đầu tư PPP là các bên cùng có lợi, cùng phát triển, tạo dựng được niềm tin, thì mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng tham gia dự án. Đây cũng là điều mà cộng đồng các nhà đầu tư rất mong đợi vào Luật PPP, vốn được thiết kế để tạo ra bước đột phá trong thu hút nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng trong những năm tới.

Chuyên đề