Lo ngại áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau nửa năm tăng thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng cuối năm chịu áp lực tăng do giá nguyên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước vẫn trong xu thế tăng. Theo một số chuyên gia, dù chưa trở thành mối đe dọa vĩ mô trước mắt, nhưng rủi ro lạm phát đang tích lũy và cần tính toán các biện pháp để lạm phát không trở thành mối lo của năm sau.
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021. Ảnh: Phú An
Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021. Ảnh: Phú An

Giá nguyên vật liệu ở mức cao

Những ngày gần đây, giá nguyên nhiên liệu trên thị trường thế giới tiếp tục ở mức cao. Giá dầu thô theo đà leo thang của quý I, từ 62,35 USD/thùng vào tháng 3 lên 71,38 USD/thùng vào tháng 6 và xoay quanh ngưỡng này trong tháng 7.

Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Đại học Kinh tế quốc dân, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp không những gặp khó khăn trong sản xuất mà còn phải đối mặt với sự gia tăng chi phí đầu vào. Tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu, bao gồm nguyên vật liệu nông nghiệp thô và nguyên vật liệu cho sản xuất công nghiệp tăng 38,25% so với cùng kỳ năm trước.

“Lạm phát 6 tháng đầu năm có vẻ rất ổn nhưng xu hướng lạm phát có thể gia tăng trong nửa cuối năm do chi phí sản xuất tăng mạnh trong thời gian qua sẽ chuyển dần vào giá tiêu dùng, đặc biệt khi dịch được khống chế khiến nhu cầu chi tiêu tăng trở lại. Như vậy, dù lạm phát chưa trở thành một mối đe dọa vĩ mô nhưng rủi ro đang bắt đầu tích lũy, đặc biệt sau giai đoạn dịch bệnh. Do đó, không thể chủ quan với lạm phát trong thời gian tới”, ông Thế Anh nhận định.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, nếu dịch bệnh được xử lý trong quý III và có thể mở cửa nội địa trong quý IV thì giá các mặt hàng lương thực - thực phẩm sẽ tăng trở lại vào quý III và lạm phát sẽ tăng vào quý IV. Mặt khác, hàng hóa nhạy cảm như xăng dầu có khả năng sẽ tăng giá khi số dư quỹ bình ổn đang ở mức thấp. Như vậy, áp lực lạm phát là hiện hữu và có thể cao hơn vào nửa cuối năm.

Trên thị trường hàng hóa tiêu dùng, Cục Quản lý giá thuộc Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã xảy ra hiện tượng một số mặt hàng tăng giá. Đây chỉ là hiện tượng mang tính cục bộ, chủ yếu do nguồn cung bị gián đoạn và nhu cầu mua sắm tích trữ nhu yếu phẩm của người dân tăng cao.

Cần ứng xử phù hợp

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ. Tuy nhiên, còn tiềm ẩn rủi ro đến từ tình hình thế giới do xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược; dịch bệnh diễn biến phức tạp có thể tác động làm giá cả một số mặt hàng biến động cục bộ tại một số thời điểm.

Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa để chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường, nhất là dịp cuối năm 2021.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng: “Diễn biến giá cả trên thị trường hàng hóa nguyên liệu cho thấy cần chú ý đến áp lực lạm phát trong thời gian tới. Tuy nhiên, không nên quá lo ngại, dẫn đến áp dụng các biện pháp có nguy cơ gây khó cho sản xuất, kinh doanh như thắt chặt tiền tệ thái quá. Thay vào đó, cần có cách ứng xử phù hợp để vừa kiểm soát đà tăng CPI, vừa hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế”.

Theo ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI), với diễn biến hiện nay, nếu không theo dõi và có định hướng chính sách sớm, rất có thể áp lực lạm phát cho cuối năm nay và năm sau sẽ tăng lên đáng kể. “Khi đó, nếu áp dụng các giải pháp đột ngột để giảm đà tăng CPI thì có thể gây sốc cho nền kinh tế”, ông Minh nhận định.

Chuyên đề