Doanh thu, lợi nhuận từ hoạt động bán sách giáo khoa năm 2017 và 6 tháng năm 2018 chưa được Nhà xuất bản Giáo dục công bố công khai. Ảnh: NK |
Dù vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong 3 năm gần đây khá khả quan. Mức thu nhập của nhân viên cũng luôn cao hơn rất nhiều so với kế hoạch đề ra. Vậy hoạt động nào đã đóng góp chính cho lợi nhuận của NXB Giáo dục?
Mảng tài chính đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận
Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 và 2017 của Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ trong 3 năm 2015 - 2017 tăng trưởng bình quân ở mức 5%/năm. Cụ thể, năm 2015 đạt 1.002 tỷ đồng, sau đó tăng lên 1.079 tỷ đồng trong năm 2016 và 1.111 tỷ đồng trong năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ghi nhận tăng trưởng mạnh, từ 29,3 tỷ đồng năm 2015 lên 71,8 tỷ đồng năm 2016 và 139,7 tỷ đồng trong năm 2017.
Đóng góp lớn cho sự tăng trưởng lợi nhuận của NXB Giáo dục trong giai đoạn này đến từ hoạt động tài chính, cụ thể là từ việc thoái vốn tại các đơn vị thành viên và công ty con. Đây là một phần công việc trong kế hoạch tái cơ cấu NXB Giáo dục với giai đoạn 1 từ năm 2014 - 2016 và giai đoạn 2 từ năm 2017 - 2023. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính năm 2016 đạt 65 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2015. Năm 2017, con số này tăng trưởng 21% so với năm 2016, đạt 79 tỷ đồng.
Để xác định được lợi nhuận từ hoạt động bán sách giáo khoa, cần phải xem thuyết minh về hoạt động này trong báo cáo tài chính của NXB Giáo dục. Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2017 mà NXB Giáo dục công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Phát triển doanh nghiệp (http://www.business.gov.vn) lại thiếu các thông tin quan trọng này.
Tìm đến báo cáo tài chính riêng năm 2016, doanh thu từ bán sách giáo khoa năm 2016 đạt 735,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 68% tổng doanh thu. Với giá vốn vào khoảng 606,7 tỷ đồng thì lợi nhuận gộp đạt 128,5 tỷ đồng. Để ước lượng về lợi nhuận từ mảng bán sách giáo khoa, có thể trừ tiếp toàn bộ chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh, mà hai chi phí này năm 2016 có tổng giá trị lên tới 177,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý, chi phí bán hàng và quản lý còn phục vụ cho nhiều hoạt động khác như quản lý xuất bản, bán sách bổ trợ, các thiết bị giáo dục, thiết bị dạy học khác có liên quan tới việc giảng dạy theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mức lương thưởng “khủng”
Với viên chức quản lý, mức thu nhập bình quân năm 2016 còn “khủng” hơn, đạt 53,2 triệu đồng/người/tháng, trong đó riêng tiền lương đã lên tới 47,3 triệu đồng/người/tháng. Đáng lưu ý, mức lương bình quân của viên chức quản lý NXB Giáo dục theo kế hoạch chỉ là 40,4 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức chi lương bình quân cán bộ quản lý đã vượt kế hoạch 17%. Mức chi vượt này là do quỹ tiền lương dành cho cán bộ quản lý vượt kế hoạch chứ không phải do giảm số lượng cán bộ quản lý. Số lượng viên chức quản lý vẫn giữ nguyên 11 người.
Sang năm 2017, thu nhập bình quân của cán bộ nhân viên NXB Giáo dục vẫn được duy trì ở mức cao với 24,3 triệu đồng/người/tháng đối với người lao động và 51,3 triệu đồng/người/tháng với nhân viên quản lý.