Lỗ lớn, nợ lớn, Thép Pomina tái cấu trúc cách nào?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Công ty CP Thép Pomina vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 với khoản lỗ hơn 300 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 7 liên tiếp thua lỗ. Chi phí tài chính lớn cùng với thị trường thép “nguội lạnh” thời gian qua khiến tình hình tài chính của Pomina gặp nhiều khó khăn. Trong nỗ lực tái cấu trúc, Pomina dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 15/3 sau khi hủy phương án huy động hơn 700 tỷ đồng từ cổ đông chiến lược Nansei Steel.
Lỗ lớn, nợ lớn, Thép Pomina tái cấu trúc cách nào?

Cú trượt dài

Trong quý IV/2023, Pomina ghi nhận 333,2 tỷ đồng doanh thu, thấp hơn nhiều so với con số 1.804 tỷ đồng đạt được cùng kỳ năm 2022. Sau khi trừ các khoản chi phí, Pomina lỗ 313,5 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 7 lỗ liên tiếp. Lũy kế cả năm 2023, Pomina ghi nhận 3.281 tỷ đồng doanh thu, bằng 25,3% so với năm 2022 và lỗ trước thuế 961 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 lên 1.270 tỷ đồng.

Đánh giá về kết quả hoạt động năm qua, Pomina cho biết, Nhà máy Thép Pomina 3 đang ngưng hoạt động, trong khi vẫn phải gánh nhiều chi phí như chi phí lãi vay. Ngoài ra, thị trường bất động sản “đóng băng”, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao khiến doanh thu không bù đắp được chi phí.

Kết quả kinh doanh bết bát khiến sức khỏe tài chính của Pomina trong năm qua chưa được cải thiện khi áp lực nợ cao và nợ phải trả ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn. Đây cũng là tình trạng tồn tại nhiều năm qua của Pomina khiến các đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động của Công ty.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Pomina đạt 10.404 tỷ đồng, nợ phải trả ở mức 8.809 tỷ đồng, chiếm 84,6%. Trong đó, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn ở mức 6.312 tỷ đồng, tăng thêm 94 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Các chủ nợ lớn của Pomina có thể kể đến Ngân hàng VietinBank với dư nợ 3.282 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV (1.689 tỷ đồng), Ngân hàng Vietcombank (488,5 tỷ đồng). Tại Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, đơn vị kiểm toán chỉ ra, Pomina có khoản nợ quá hạn 3.100 tỷ đồng (bao gồm 2.200 tỷ đồng nợ vay và hơn 900 tỷ đồng phải trả người bán). Trong khi đó, số dư tiền của Pomina chỉ còn khoảng 10 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 206,2 tỷ đồng thời điểm đầu năm 2023.

Nỗ lực tái cơ cấu

Nợ vay của Thép Pomina bắt đầu phình to từ năm 2018 khi doanh nghiệp này định hướng chi hàng nghìn tỷ đồng đầu tư Nhà máy luyện phôi thép và Nhà máy sản xuất tôn mạ. Trong đó, Nhà máy tôn mạ hoạt động từ giữa năm 2019, còn Nhà máy luyện phôi thép xây dựng năm 2019 nhưng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kéo dài đến tháng 2/2021 mới đi vào hoạt động. Sau năm 2021 bùng nổ, thị trường thép trong nước bắt đầu đi xuống từ quý II/2022 khiến Pomina phải dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022, đồng thời phải chấm dứt hợp đồng lao động với một số cán bộ công nhân viên của Công ty do kinh doanh quá khó khăn.

Trong nỗ lực tái cơ cấu, Pomina đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho cổ đông chiến lược Nhật Bản Nansei Steel tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Tuy nhiên, vào ngày 26/1/2024, HĐQT Công ty đã có nghị quyết tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán riêng lẻ này. Lý do Công ty đưa ra là vì hai bên chưa đạt được thỏa thuận trong việc hợp tác chiến lược.

Tại bản giải trình kết quả kinh doanh quý IV/2023, Thép Pomina cho biết, đang thực hiện tái cấu trúc và đã tìm được nhà đầu tư mới. Mọi thủ tục đang chờ phê duyệt của Đại hội cổ đông bất thường dự kiến tiến hành ngày 15/3/2024. Dự kiến vào đầu quý II/2024, Công ty sẽ đưa Nhà máy Thép Pomina 3 vào hoạt động trở lại.

Được biết, nhằm tái cơ cấu tài chính, người có liên quan tới Chủ tịch HĐQT Thép Pomina Đỗ Duy Thái liên tục bán ra cổ phiếu trong năm 2023 để cấn trừ nợ với nhà cung cấp. Sau khi cấn trừ, các nhà cung cấp sẽ trở thành cổ đông của Pomina.

Bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Chuyên đề