Phương án “Giao Duyên”, do Liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải thực hiện, được lựa chọn là phương án kiến trúc đầu tư xây dựng cầu đường sắt Đuống. |
Bộ Giao thông vận tải vừa ban hành Quyết định số 327 phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình của dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống (cầu đường sắt Đuống).
Theo đó, giải nhất có mã hiệu phương án N02 “Giao Duyên”, do Liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải thực hiện, được lựa chọn là phương án kiến trúc đầu tư xây dựng cầu đường sắt Đuống.
Giải nhì có mã hiệu phương án N01 “Hà Nội - Cửa Ô” do Liên danh Công ty cổ phần tư vấn thiết kế Cầu lớn - Hầm và Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng Giao thông vận tải thực hiện.
Giải ba có mã hiệu phương án: HP-2022-CĐ-TTKT (PA1) do Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng và thương mại Hưng Phú thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải đề nghị, Ban Quản lý dự án 6 căn cứ kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc được phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện các bước tiếp theo tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
"Hai cây cầu đường sắt và đường bộ bắc qua sông Đuống thuộc dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có tổng mức đầu tư dự kiến 1.877 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025".
Ban Quản lý dự án 6.
Với dự án này, sẽ có 2 cầu riêng rẽ bắc qua sông Đuống dành cho đường bộ đường sắt, thay vì đi chung như hiện nay.
Vị trí 02 cầu nằm trên tuyến đường quốc lộ 1A cũ huyết mạch nối trung tâm Hà Nội với các tỉnh phía Bắc thông qua tuyến đường Ngô Gia Tự (quận Long Biên) với đường Hà Huy Tập (huyện Gia Lâm).
Trong đó, cầu Đuống đường sắt mới sẽ xây dựng về phía thượng lưu sông Đuống, cách cầu hiện nay khoảng 16,5m, trùng vị trí xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1. Chiều dài cầu dự kiến khoảng 330m, với thiết kế đường sắt khổ ray lồng 1.000mm và 1.435mm.
Cầu Đuống đường bộ mới dự kiến xây dựng cách cầu hiện hữu 100m về phía hạ lưu, cầu mới dài khoảng 472m và chiều rộng cầu 16m.
Cả hai cầu trên đều phải đạt tiêu chuẩn thiết kế với tốc độ 80km/h. Thời gian thực hiện từ năm 2022-2025.
Dự án nâng cấp tuyến vận tải thủy sông Đuống có cấu phần quan trọng là đầu tư xây cầu Đuống mới để thay thế cho cầu Đuống đang khai thác, tách cầu đường bộ ra khỏi cầu đường sắt để đảm bảo an toàn và tránh ùn tắc.
Đồng thời, nâng tĩnh không, tạo luồng vận tải thủy an toàn, tăng tải trọng của tuyến vận tải thủy quan trọng trên Hành lang đường thủy số 1 và đảm bảo đường sắt lưu thông thông suốt, giảm thiểu ảnh hưởng đến vận hành, khai thác.
Sau khi có cầu mới, cầu Đuống hiện nay sẽ được phá bỏ để tạo luồng đường thủy cho tàu thuyền qua lại dễ dàng, hạn chế các vùng nước xoáy.
Ngoài ra, việc đầu tư hai cây cầu trên sẽ đảm bảo cho việc thúc đẩy phát triển đô thị phía bắc sông Hồng theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông của Thủ đô theo định hướng trong quy hoạch chung xây dựng Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Được biết, Hành lang đường thủy số 1 dài 250km qua sông Đuống, bắt đầu từ Quảng Ninh tới cảng Việt Trì trên sông Lô đã được đầu tư, nâng cấp.
Tuy nhiên, trên hành lang này hiện có cầu Đuống được xây dựng từ năm 1902 với công năng kết hợp giao thông đường bộ và đường sắt (tuyến Hà Nội - Đồng Đăng), có tĩnh không thấp, chỉ đạt 2,8m tại thời điểm nước cao; bề rộng khoang thông thuyền nhịp giữa chỉ khoảng 26m. Đây chính là điểm nghẽn, làm tăng thời gian, chi phí vận tải bằng đường thủy của các tỉnh phía Bắc đến cảng biển Hải Phòng, Quảng Ninh.