Nhà thầu làm giả hợp đồng tương tự là hành vi gian lận, sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm. Ảnh: Lê Tiên |
Khó bóc trần
Một trường đại học lớn tại TP.HCM thời gian qua đã phải “cầu cứu” khá nhiều nơi để xử lý một tình huống liên quan đến hành vi này của nhà thầu. Cụ thể, để dự thầu gói thầu mua giấy in đề thi cho trường, một nhà thầu chuyên cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực in ấn ở Hà Nội đã cung cấp trong hồ sơ dự thầu (HSDT) một hợp đồng tương tự có giá trị lớn hơn nhiều giá gói thầu đang mời. Bên mời thầu này chia sẻ, hợp đồng rất đáng ngờ, bởi một nhà thầu chuyên cung cấp mực, in ấn và giấy lại có hợp đồng bán giấy cho một… nhà máy giấy. Tuy nhiên, do điều kiện ở quá xa, bên mời thầu không thể liên hệ với đơn vị mua hàng để xác minh. Mà nếu xác minh, đơn vị mua hàng cũng không dễ dàng thừa nhận hợp đồng này có thực hiện hay không.
Không dám loại nhà thầu do nhà thầu này rất hay kiện, bên mời thầu đành ngậm ngùi chấm đơn vị này trúng thầu. Kết quả là chỉ hơn 1 tháng sau, nhà trường phải chấm dứt hợp đồng vì năng lực nhà thầu không đáp ứng yêu cầu. “Thực sự vô cùng mệt mỏi với kiểu nhà thầu này”, đại diện bên mời thầu cho biết.
Bên mời thầu trên là nạn nhân điển hình của chuỗi hành vi gian lận rất tinh vi của một số nhà thầu (đặc biệt trong lĩnh vực cung cấp hàng hóa). Bởi hành vi của nhà thầu là cung cấp hợp đồng với các chữ ký, con dấu và chứng từ kèm theo là thật, nhưng việc thực hiện hợp đồng lại không diễn ra. Thực tế, hợp đồng được sản sinh bởi những mối quan hệ, quen biết, thân hữu hoặc cộng sinh. Bên cạnh đó, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay hoạt động nhờ hành vi mua bán hợp đồng, hóa đơn lòng vòng để kiếm lợi dẫn tới nhiều khó khăn khi thẩm định hợp đồng tương tự.
“Khi tiến hành làm rõ, các nhà thầu thường sử dụng chiêu câu giờ, bổ sung tài liệu nhỏ giọt hoặc viện lý do khách quan để trì hoãn chứng minh giá trị của hợp đồng”, một bên mời thầu tại Đồng Nai cho biết.
Theo quy định, hồ sơ mời thầu (HSMT) không được đưa ra các yêu cầu làm hạn chế sự tham dự của nhà thầu. Để chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu, HSMT yêu cầu số lượng hợp đồng tương tự phù hợp với tính chất, quy mô của gói thầu đang mời. “Đây là quy định rất mở, nhưng lại bị nhà thầu lợi dụng để phù phép năng lực. Chúng tôi đang phải tìm nhiều cách để bóc trần một hợp đồng tương tự của nhà thầu khi có nhiều dấu hiệu cho thấy, đây chỉ là hợp đồng mua bán lòng vòng một nhà thầu tạo nên để dự thầu. Tuy nhiên, để làm được điều này không hề đơn giản, bởi nhà thầu chỉ cần nhờ các doanh nghiệp quen biết, thậm chí là doanh nghiệp do người thân thành lập để ký kết hợp đồng. Chứng minh hợp đồng có thực hiện hay không là hành trình rất dài, chỉ có nghiệp vụ của cơ quan điều tra mới có thể xác định chính xác”, một bên mời thầu tại TP.HCM cho biết.
Cần mạnh tay để làm bài học cho nhà thầu
Nhiều bên mời thầu cho biết, lý do khi yêu cầu nhà thầu phải cung cấp hợp đồng tương tự với đơn vị trường học/bệnh viện công lập là để đối phó với nhà thầu gian lận. “Đưa ra yêu cầu này mới dễ dàng xác minh được tính xác thực của hợp đồng. Còn với các hợp đồng khác, rất khó để tin được. Tuy nhiên, nếu vận dụng không khéo quy định về đấu thầu có thể vô tình dẫn tới việc nhà thầu kiến nghị HSMT thiếu cạnh tranh”, một chuyên gia đấu thầu cho biết.
Để giải quyết tận gốc vấn đề, nếu có nghi ngờ về tính trung thực của các thông tin về hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai trong HSDT, bên mời thầu có thể yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu bản gốc để đối chiếu hoặc liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư của các hợp đồng này để xác minh, làm rõ hoặc có thể kiểm tra thực tế hiện trường các công trình mà nhà thầu kê khai.
Luật Đấu thầu quy định rõ hành vi gian lận bị cấm trong đấu thầu. Chiếu theo quy định này, nhà thầu tham dự thầu làm giả hợp đồng tương tự đã thực hiện là hành vi gian lận, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không bình đẳng, vi phạm quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu, sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 - 5 năm.
“Các bên mời thầu không nên “cả nể” hoặc “đấu thầu qua loa” để tiếp tay cho hành vi gian lận bằng cách công nhận những hợp đồng này. Rất cần những bên mời thầu quyết liệt, mạnh tay với hành vi cung cấp hợp đồng “giả trong thật” này để làm trong sạch đội ngũ nhà thầu, tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh, hiệu quả”, chuyên gia về đấu thầu Lê Văn Tăng nhấn mạnh.