Lộ chiêu thức “cài cắm” tinh vi

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Chính sách đấu thầu qua mạng (ĐTQM) được xây dựng luôn hướng tới nâng cao hiệu quả của hình thức lựa chọn nhà thầu này. Tuy nhiên, đây đó vẫn xuất hiện chiêu trò tinh vi từ phía nhà thầu, thậm chí cả bên mời thầu (BMT) để đối phó như: “quân xanh, quân đỏ”, quây thầu, đến “cài cắm” trong hồ sơ mời thầu...
Trong đấu thầu qua mạng vẫn xuất hiện tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, cài cắm tiêu chí trong HSMT, gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi
Trong đấu thầu qua mạng vẫn xuất hiện tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, cài cắm tiêu chí trong HSMT, gây hạn chế cạnh tranh. Ảnh: Nhã Chi

Diễn tròn vai “quân xanh, quân đỏ”

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được như gia tăng tính cạnh tranh, minh bạch và tiết kiệm chi phí, thời gian… cho các nhà thầu, chủ đầu tư/BMT thì thực tế cho thấy, trong ĐTQM đã xuất hiện tình trạng “quân xanh, quân đỏ” biến hình. Với các chiêu thức cũ, trong vỏ bọc mới, đội ngũ nhà thầu “quân xanh, quân đỏ” đang làm méo mó những cuộc thầu.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu, xuất hiện một số gói thầu đấu qua mạng có sự sắp xếp lộ liễu, dàn dựng không khác gì đấu thầu truyền thống. Kịch bản 3-2-1 của đấu thầu truyền thống, cụ thể, 3 nhà thầu dự thầu, 2 nhà thầu bị loại vì những lỗi rất sơ đẳng để 1 nhà thầu trúng thầu với giá cao, sát giá gói thầu.

Nhiều biên bản mở thầu hiện nay ghi nhận, tỷ lệ các gói thầu có sự tham gia của 3 nhà thầu trở lên rất phổ biến. Tuy nhiên, “nội soi” các báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) này cho thấy, 2 trong số 3 số nhà thầu dự thầu đều bị loại với những lỗi rất sơ đẳng.

Đầu tiên, các nhà thầu “quân xanh” sẽ bị loại bởi những lý do cực kỳ “lãng nhách” như: không đảm bảo tư cách hợp lệ của HSDT; không có bảo lãnh dự thầu; không có đầy đủ các tài liệu kèm theo HSDT… Vì sao đấu thầu qua mạng, một môi trường chỉ dành cho những nhà thầu có kinh nghiệm, có hiểu biết khá sâu về hình thức đấu thầu này nhưng lại để xảy ra những sơ suất nói trên?

Có thể nói, cơ quan ban hành chính sách đấu thầu qua mạng đã nắm bắt rất nhanh, kịp thời công tác này và từ đó nhanh chóng xây dựng các quy định mới, hiệu quả. Tuy nhiên, dẫu ở hình thức lựa chọn nhà thầu nào, ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia vẫn giữ vai trò quyết định rất lớn. Do đó, trong ĐTQM, những đối tượng “cầm cân nảy mực” các gói thầu chính là những người cần tuân thủ quy định nghiêm túc nhất.

Bên cạnh đó, sau khi dư luận lên tiếng về tình trạng nói trên, vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” có bước chuyển tinh vi hơn trước. Đó là các nhà thầu “dự bị” sẽ đường hoàng bước qua các “khe cửa” tư cách hợp lệ, thậm chí qua cả bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, các nhà thầu này lại “ngã ngựa” vào phút cuối với lý do “không làm rõ HSDT”. Trong khi đó, đối chiếu với lịch sử trúng thầu của nhà thầu trúng thầu, tần suất trượt của các nhà thầu “file đính kèm” này lại thường xuyên xuất hiện. Thậm chí, để tránh bị chú ý, các nhà thầu có sự đảo vai, cùng một nhóm nhà thầu, thay nhau lúc thắng, lúc thua. Điều đáng nói, có nhà thầu thắng ở gói thầu lớn, nhưng vẫn bị loại ở gói thầu giá trị nhỏ hơn tại cùng một BMT do… không vượt qua ở bước đánh giá về năng lực, kinh nghiệm.

Rõ ràng, những biến tướng của hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” đang xảy ra với nhiều hình thức tinh vi hơn. Thậm chí, trò “kẹp trên, ghì dưới” khi đấu thầu trong ĐTQM hiện nay rất dễ bắt gặp. Cụ thể, tại gói thầu nào “khó nắm bắt tình hình”, có hiện tượng “quây thầu”, nhà thầu “quân xanh” rất đông, khoảng 3 - 5 nhà thầu. Mỗi nhà thầu có một nhiệm vụ gây hoang mang cho nhà thầu muốn đấu trực diện. Có nhà thầu “vệ tinh”, dự cho có, đương nhiên bị loại tại khâu đánh giá tư cách hợp lệ. Còn hai nhà thầu có vai trò “ghì dưới” (giá thấp sát giá nhà thầu cạnh tranh thực) và nhà thầu đóng vai trò “kẹp trên” (giá cao vượt giá nhà thầu quân đỏ). Trong trường hợp này, thường thấy nhà thầu “quân đỏ” dàn quân rất hùng hậu với các nhà thầu thân hữu để cùng loại duy nhất 1 nhà thầu “lạ”.

“Cài cắm” như ma trận

Theo quy định mới, các BMT sẽ khó tái diễn các chiêu trò như thiếu các file tài liệu quan trọng (hồ sơ thiết kế bản vẽ, bảng tiên lượng…) khi phát hành HSMT lên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Quy định cũng bắt buộc các BMT phải kịp thời phản hồi các văn bản làm rõ HSMT, các kiến nghị của nhà thầu trên Hệ thống.

Tuy nhiên, khi cập nhật nội dung các HSMT, phóng viên Báo Đấu thầu nhận thấy, chất lượng HSMT hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng sử dụng nhiều chiêu cài cắm tiêu chí hạn chế nhà thầu tham gia không phải là hiếm.

Đầu tiên là HSMT đưa ra các tiêu chí quá cao, không cần thiết đối với quy mô và đặc điểm của gói thầu đang xét, gây khó khăn, hạn chế nhà thầu muốn tham dự thầu. Tại nội dung này, thông thường BMT tự đặt ra các yêu cầu “phụ” nhưng lại mang tính quyết định khả năng dự thầu của đông đảo nhà thầu như: quá nhiều bằng cấp, chứng chỉ của nhân sự; quá nhiều chứng chỉ chất lượng dành cho nhà thầu. Thậm chí, nhiều BMT tự ý yêu cầu các “giấy phép con” trong đấu thầu như: giấy phép bán hàng, giấy phép hành nghề, giấy xác nhận đối tác, giấy xác nhận bãi đổ thải, xác nhận khảo sát hiện trường của chủ đầu tư…

Một yêu cầu oái oăm khác xuất phát từ hàng mẫu trong đấu thầu. Đối với mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường, quy định đấu thầu không bắt buộc nhà thầu phải cung cấp hàng mẫu (dễ phát sinh chi phí, mất thời gian của nhà thầu). Tuy nhiên, nhiều BMT vẫn yêu cầu cung cấp hàng mẫu. Quá đáng hơn, hàng mẫu lại bắt buộc giao trong điều kiện khắc nghiệt về thời gian, về địa điểm giao, đo kiểm không chính xác dẫn tới nhiều nhà thầu bị loại oan vì hàng mẫu. Điều này khiến các gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng được đấu thầu qua mạng nhưng vẫn giăng ra rất nhiều bẫy đối với nhà thầu.

Theo một chuyên gia về đấu thầu, đấu thầu qua mạng đang chuyển động rất nhanh với sự tiến bộ không ngừng cả từ phía nhà thầu lẫn các BMT. Có thể nói, cơ quan ban hành chính sách đấu thầu qua mạng đã nắm bắt rất nhanh, kịp thời công tác này và từ đó nhanh chóng xây dựng các quy định mới, hiệu quả. Tuy nhiên, dẫu ở hình thức lựa chọn nhà thầu nào, ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia vẫn giữ vai trò quyết định rất lớn. Do đó, trong ĐTQM, những đối tượng “cầm cân nảy mực” các gói thầu chính là những người cần tuân thủ quy định nghiêm túc nhất. Đội ngũ nhà thầu trong giai đoạn mới, giai đoạn của cách mạng công nghệ cần tận dụng lợi thế này để cạnh tranh đúng nghĩa, cung cấp sản phẩm, dịch vụ với chất lượng vượt trội và tích cực lên tiếng trước các hành vi gây hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan giám sát hoạt động đấu thầu cần nâng cao khả năng nắm bắt công nghệ, coi công nghệ là phương tiện hữu ích nhằm giám sát hiệu quả hoạt động này. Báo chí và cộng đồng cần tăng cường giám sát các cuộc thầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Có như vậy, ĐTQM mới thực sự đem lại nhiều ý nghĩa đúng như kỳ vọng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư