Linh hoạt điều chỉnh chính sách trước áp lực lạm phát

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá cả hàng hóa tăng cao, các chương trình hỗ trợ kinh tế lớn là rủi ro với lạm phát của các nước trên thế giới và Việt Nam trong năm 2022. Do đó, cần cân nhắc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ phù hợp để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Các nguyên liệu đầu vào thiết yếu như xăng dầu, sắt thép tăng giá là yếu tố lan tỏa mạnh, khiến gia tăng chi phí sản xuất và rủi ro lạm phát. Ảnh: Lê Tiên
Các nguyên liệu đầu vào thiết yếu như xăng dầu, sắt thép tăng giá là yếu tố lan tỏa mạnh, khiến gia tăng chi phí sản xuất và rủi ro lạm phát. Ảnh: Lê Tiên

Kết thúc cuộc họp ngày 15/12, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra thông điệp sẽ giảm mua vào trái phiếu. Cụ thể, FED sẽ mua 60 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng bắt đầu từ tháng 1 năm sau, chỉ bằng một nửa mức thực hiện kể từ lúc bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng vào tháng 3/2020 đến tháng 11 vừa qua và thấp hơn 30 tỷ USD so với con số thực hiện trong tháng 12/2021. Tiếp đó, FED sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm sau, 2 đợt tăng trong năm 2023 và 2 đợt tăng trong năm 2024.

Đây là những động thái chính sách của FED nhằm đối phó với rủi ro lạm phát có thể lên đến 5,3% trong năm nay. Cơ quan này kỳ vọng các biện pháp trên có thể đưa lạm phát về mức 2,6% trong năm 2022.

Tại châu Âu, lạm phát tháng 11 tại 19 nước sử dụng đồng euro là 4,9%, mức cao nhất kể từ năm 1997. Nguyên nhân chủ yếu là giá nhiên liệu tăng cao (ước tính tăng 27,4% trong tháng 11). Trước diễn biến đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết sẽ chấm dứt chương trình mua lại trái phiếu vào tháng 3/2022.

Đó là những động thái cho thấy lạm phát không còn là nỗi lo mà là rủi ro trước mắt buộc chính phủ các nước phải hành động để đối phó.

Theo PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính, rủi ro lạm phát trên thế giới ở mức cao do một số nguyên nhân. Đó là, tiêu dùng bật tăng mạnh mẽ nhờ các biện pháp kích thích kinh tế ước tính khoảng 10.400 tỷ USD toàn cầu, khiến cung không đuổi kịp cầu, giá năng lượng, nguyên liệu tăng vọt trên toàn cầu. Người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu hơn thường lệ, nhưng chuỗi cung ứng toàn cầu bị thiếu hụt mạnh do sản xuất ở nhiều quốc gia bị sụt giảm mạnh (trong đó có Việt Nam).

Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nguy cơ nhập khẩu lạm phát của Việt Nam là hiện hữu bởi nhiều ngành sản xuất phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài. Đáng chú ý, các nguyên liệu đầu vào thiết yếu như xăng dầu, sắt thép tăng giá là yếu tố lan tỏa mạnh, khiến chi phí sản xuất gia tăng.

Nhóm nghiên cứu vĩ mô của Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,8% so với tháng trước và tăng bình quân 2% năm 2021 trước khi lên mức 3,8% năm 2022 với một số nguyên nhân. Đó là, các gói hỗ trợ kinh tế năm 2021 với quy mô gần 3% GDP sẽ “ngấm” vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế và thể hiện rõ trong năm 2022. Bên cạnh đó, nhập khẩu lạm phát gia tăng trong bối cảnh các nền kinh tế đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều có mức lạm phát đáng lo ngại.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, lạm phát tại Việt Nam có tương quan với lạm phát nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, dịch Covid-19 làm giảm sức mua nội địa. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 11 tháng giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước cho thấy tác động tiêu cực của dịch bệnh tới thu nhập, đời sống của người dân. Ông Độ dự đoán, CPI năm 2021 chỉ tăng trung bình khoảng 2% so với năm 2020. Trong năm sau, lạm phát sẽ tăng trở lại do tổng cầu tăng. Tuy nhiên, tổng cầu không khôi phục ngay được mà cần ít nhất 6 tháng, nên trong nửa đầu năm 2022, chỉ số lạm phát sẽ không chịu tác động nhiều từ tổng cầu trong nước.

Điều đáng ngại là khi kinh tế hồi phục, tổng cầu tăng thì sẽ tăng giá mạnh, gây xáo trộn thị trường và kéo CPI tăng nhanh. Tuy nhiên, nếu điều hành vĩ mô hợp lý, đặc biệt là kiểm soát cung tiền ở mức vừa phải, CPI năm 2022 dù cao hơn năm nay nhưng vẫn có khả năng kiểm soát dưới 3%. Tiếp đó, khả năng áp lực lạm phát sẽ cao hơn kể từ năm 2023, khi kinh tế phục hồi hoàn toàn, sức mua của người tiêu dùng cao hơn, chưa kể tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ trong thời gian qua sẽ phát huy tác dụng sau một vài năm tới.

Vị chuyên gia này cho rằng, việc kiểm soát lạm phát trong giai đoạn tiếp theo còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng như của các nước phát triển.

“Cùng với quá trình phục hồi kinh tế, lạm phát có khả năng tăng trở lại, khiến lãi suất dần tăng theo. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể duy trì chính sách tiền tệ hiện hành đến hết năm 2021. Tuy nhiên, kể từ năm 2022, nếu kinh tế Việt Nam phục hồi khả quan, NHNN có thể cần điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt hơn. Bên cạnh đó, nhằm giảm áp lực và kiểm soát bền vững lạm phát, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt các biện pháp điều hành giá cả thị trường, đặc biệt là điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đúng thời điểm với liều lượng phù hợp”, ông Độ nói.

Chuyên đề