Lilama: “Sức khỏe” sa sút trước thềm thoái vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt danh mục 120 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước năm 2020, trong đó có Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama).
Quý I/2020, doanh thu của Lilama tiếp tục giảm một nửa so với
cùng kỳ năm 2019, đạt 1.180 tỷ đồng, lãi ròng đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 36%. Ảnh:
Lê Tiên
Quý I/2020, doanh thu của Lilama tiếp tục giảm một nửa so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.180 tỷ đồng, lãi ròng đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 36%. Ảnh: Lê Tiên

Theo đó, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Lilama dự kiến sẽ giảm từ mức 97,88% về 51%. Tình hình tài chính và kinh doanh của Lilama ra sao?

Lilama trước đây là doanh nghiệp do Bộ Xây dựng sở hữu 100% vốn, hoạt động trong lĩnh vực xây lắp, gia công, chế tạo thiết bị cho các công trình dân dụng và công nghiệp. Năm 2015, Tổng công ty phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) hơn 35,5 triệu cổ phần. Kết quả, chỉ hơn 1 triệu cổ phần được bán thành công với giá bình quân 10.362 đồng/cổ phần.

Lilama chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2016, từ đó đến nay chưa tiến hành tăng vốn điều lệ. Tính đến cuối quý I/2020, Tổng công ty có vốn điều lệ 797,2 tỷ đồng do Bộ Xây dựng sở hữu 97,88%.

Dù là nhà thầu EPC từng thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, nhưng những năm gần đây, tình hình kinh doanh của Lilama cho thấy sự đi xuống. Doanh thu từ mức 19.196 tỷ đồng năm 2017 giảm xuống còn 13.362 tỷ đồng năm 2018 và năm 2019 chỉ còn 7.041 tỷ đồng - mức thấp nhất kể từ năm 2012 trở lại đây.

Đáng chú ý, Lilama bắt đầu xuất hiện những khoản lỗ lớn trong năm 2018 (lỗ 189,7 tỷ đồng) và năm 2019 (lỗ 86 tỷ đồng) - kết quả thiếu tích cực nhất của Tổng công ty trong 8 năm trở lại đây.

Về kết quả kinh doanh quý I/2020, doanh thu của Tổng công ty tiếp tục giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1.180 tỷ đồng, lãi ròng đạt 4,2 tỷ đồng, giảm 36%.

Tổng tài sản tính đến cuối quý I/2020 đạt 7.669 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm 85%, ở mức 6.546 tỷ đồng, bằng 5,8 lần vốn chủ sở hữu.

Về tình hình tài chính, đáng chú ý là dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama trong cả năm 2018 và 2019 đều âm với số tiền lần lượt là 834 và 962 tỷ đồng. Tình trạng này còn kéo dài tới quý I/2020, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Lilama âm tới 187 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái còn dương 256,8 tỷ đồng.

Dòng tiền kinh doanh âm của Lilama một phần bắt nguồn từ các khoản phải thu khó đòi. Tính đến cuối quý I/2020, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Lilama lên đến 1.174 tỷ đồng. Trong đó có những khoản phải thu lớn từ Ban điều hành Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 (260,3 tỷ đồng), Công ty CP Lisemco (359,8 tỷ đồng), Công ty CP Lilama 45.1 (hơn 130 tỷ đồng). Lisemco từng là công ty con của Lilama (đã thoái toàn bộ vốn vào năm 2019), còn Lilama 45.1 là doanh nghiệp hiện do Lilama nắm giữ 36% vốn. Việc không đòi được tiền tiềm ẩn nguy cơ Lilama khó thu hồi 1.174 tỷ đồng.

Có thể thấy tình hình kinh doanh và tài chính của Lilama trong thời gian gần đây xấu hơn khá nhiều so với thời điểm IPO năm 2015. Ngoài ra, bối cảnh thị trường chứng khoán đang có nhiều rủi ro bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng sẽ là thách thức rất lớn để thoái vốn thành công tại Lilama.

Hiện tại, quỹ công việc dự kiến năm 2020 từ các dự án mà Tổng công ty đã ký hợp đồng và đang triển khai gồm: Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, Dự án Nhà máy phân bón A/U tại Brunei, Dự án điện Nghi Sơn 2, Dự án khí Nam Côn Sơn 2, Dự án hóa dầu Long Sơn, Dự án điện Vân Phong 1… Lilama đang đẩy nhanh tiến độ và kỳ vọng các dự án này có thể giúp cải thiện kết quả kinh doanh năm 2020.

Chuyên đề