Liều thuốc mạnh với nhà thầu yếu lĩnh vực giao thông

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năng lực thi công của nhà thầu luôn được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến độ giải ngân dự án đầu tư công, phát huy hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Do đó, từ những ngày đầu tiên của năm 2022, nhiều chỉ đạo, đề xuất kiên quyết, mạnh tay với các nhà thầu yếu kém được đưa ra để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm ngành giao thông.
Trong năm 2022, để bảo đảm tiến độ thi công, tỷ lệ giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông đều kiên quyết mạnh tay với nhà thầu yếu kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet
Trong năm 2022, để bảo đảm tiến độ thi công, tỷ lệ giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông đều kiên quyết mạnh tay với nhà thầu yếu kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa: Internet

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, trong đó áp dụng một số cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn. Theo Nghị quyết, Bộ Giao thông vận tải phải kiên quyết cắt giảm khối lượng, chấm dứt hợp đồng với nhà thầu để xảy ra tình trạng thi công không đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chỉ định ngay nhà thầu thay thế để bảo đảm tiến độ cho toàn Dự án.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành liên quan đến tiến độ triển khai Dự án Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, đối với các gói thầu thi công san nền, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cần bố trí nhiều mũi thi công, không để thiếu mặt bằng làm ảnh hưởng đến triển khai các hạng mục, công trình. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu kiên quyết thay thế các nhà thầu yếu kém, thi công chậm tiến độ.

Tại báo cáo về tình hình hoạt động đấu thầu năm 2021, Tổng cục Đường bộ cho rằng, cần có biện pháp căn cơ hơn để chấn chỉnh tình trạng nhà thầu thi công bê bối. Cụ thể, Tổng cục Đường bộ kiến nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) công khai trên trang thông tin của Bộ các nhà thầu xây lắp vi phạm chất lượng, tiến độ, bị các chủ đầu tư và ban quản lý dự án có văn bản phê bình, cảnh cáo làm cơ sở cho bên mời thầu lưu ý khi đánh giá nhà thầu tham gia dự án, gói thầu trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, cần đưa vào hồ sơ mời thầu các điều kiện xử lý khi nhà thầu vi phạm chất lượng, tiến độ, làm cơ sở để đánh giá việc tham dự đấu thầu các gói thầu tiếp sau như lập cơ sở dữ liệu, đánh giá việc thực hiện hợp đồng của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu xây lắp, làm cơ sở đánh giá uy tín nhà thầu khi tham dự thầu.

Thống kê của Báo Đấu thầu cho thấy, năm 2021, tỷ lệ nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng chiếm đa số trong danh sách các nhà thầu bị xử lý. Việc chậm thực hiện hợp đồng dẫn tới chậm tiến độ và làm giảm hiệu quả dự án, khiến nhiều chủ đầu tư rối bời với hàng chục cuộc họp thúc tiến độ, phải cắt hợp đồng, lựa chọn nhà thầu thay thế.

Trong báo cáo gửi Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã cam kết xử lý, cắt chuyển khối lượng chậm trễ của các nhà thầu. Đơn cử như tại Dự án thành phần Cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lộ - La Sơn, chủ đầu tư đã xử lý điều chuyển khối lượng của Công ty TNHH Xây dựng Hoàng Nguyên tại Gói thầu XL03 cho nhà thầu khác triển khai thi công. Đồng thời, thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để làm cơ sở đánh giá năng lực khi nhà thầu này tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý. Đây là nhà thầu vi phạm hợp đồng lần 3.

Đối với nhà thầu vi phạm lần 2, Bộ GTVT đã yêu cầu chủ đầu tư cảnh báo Công ty CP Vật tư thiết bị và Xây dựng công trình giao thông 624 (Gói thầu XL07) và xử lý theo quy định của hợp đồng.

Đối với nhà thầu vi phạm lần 1, Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cảnh cáo đối với Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát và Công ty TNHH Nhạc Sơn (Gói thầu XL06), Công ty TNHH Đại Hiệp, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 và Công ty TNHH Xây dựng Bảo Sơn (Gói thầu XL11)…

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong năm 2022, để bảo đảm tiến độ thi công, tỷ lệ giải ngân đầu tư công, các chủ đầu tư dự án hạ tầng giao thông đều kiên quyết mạnh tay với nhà thầu yếu kém, thi công không đúng hợp đồng ký kết. Việc cắt chuyển khối lượng, xử phạt, chấm dứt hợp đồng, công khai tên nhà thầu trên hệ thống thông tin… sẽ là những liều thuốc mạnh để chấm dứt căn bệnh này.

Chuyên đề