Liên tiếp lùi đại hội cổ đông, Vietnam Airlines thiếu tôn trọng cổ đông?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Niên độ tài chính của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, mã chứng khoán: HVN) kết thúc ngày 31/12/2019, ngày chậm trễ nhất có thể được cho phép tổ chức ĐHCĐ là 30/6/2020. Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua, Vietnam Airlines vẫn chưa thể tổ chức họp.
Theo lý giải của Vietnam Airlines, việc lùi ngày họp do “công tác chuẩn bị các nội dung họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 chưa hoàn thành”. Ảnh minh họa: Internet
Theo lý giải của Vietnam Airlines, việc lùi ngày họp do “công tác chuẩn bị các nội dung họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 chưa hoàn thành”. Ảnh minh họa: Internet

Cầm trên tay thư mời họp ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Vietnam Airlines, chị K. Lan (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đây là thư cũ không có giá trị bởi HVN thông báo tiếp tục lùi thời hạn tổ chức họp từ ngày 28/7 sang ngày 10/8. “Tôi chưa rõ nguyên nhân vì đâu nhưng việc lùi liên tiếp khiến nhiều cổ đông như tôi không rõ tình hình kinh doanh sản xuất của doanh nghiệp trong thời gian qua và kế hoạch thời gian tới ra sao?”, chị Lan nói.

Không riêng gì chị Lan, nhiều cổ đông cùng chung nỗi lo lắng khi Vietnam Airlines liên tiếp chậm trễ tổ chức ĐHCĐ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có nguy cơ quay lại.

Đáng lưu ý, trước đó, Vietnam Airlines cũng từng có 2 lùi thời hạn họp.

Cụ thể, theo dự kiến thời hạn họp vào ngày 29/6, nhưng sau đó Vietnam Airlines lần lượt lùi sang ngày 16/7 và 28/7. Trong thông báo gần nhất, Vietnam Airlines cho biết, do công tác chuẩn bị các nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 chưa hoàn thành, doanh nghiệp lùi ngày họp sang ngày 10/8 thay vì ngày 28/7 như thông báo trước đó.

Theo Khoản 2 Điều 136 Luật Doanh nghiệp năm 2014, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Với quy định này, các doanh nghiệp có niên độ tài chính từ 1/1 đến 31/12/2019 phải tổ chức ĐHĐCĐ trước ngày 30/4/2020.

Trong trường hợp muốn gia hạn, thời hạn tổ chức không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính và phải gửi công văn xin gia hạn đến Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố. Doanh nghiệp có thể xin gia hạn nhưng không quá thời điểm 30/6/2020.

Niên độ tài chính của Vietnam Airlines kết thúc ngày 31/12/2019, như vậy, chiếu theo quy định trên, ngày chậm trễ nhất có thể được cho phép tổ chức ĐHCĐ của HVN là 30/6/2020. Tuy nhiên, đến nay, đã quá hạn gần 2 tháng Vietnam Airlines vẫn chưa tổ chức họp và cũng không thể chắc chắn rằng ngày 10/8 tới đây một cuộc họp được cổ đông mong đợi sẽ diễn ra.

Có thể thấu hiểu những lý do Vietnam Airlines liên tục chậm trễ, lùi thời hạn tổ chức ĐHCĐ, thậm chí chưa công bố tài liệu họp nguyên nhân đến từ việc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Tuy nhiên, ngay trong thời điểm dịch bùng phát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã gợi mở cho doanh nghiệp chọn hình thức họp ĐHCĐ trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp đã chọn hình thức này do vậy, nếu muốn họp sớm HVN hoàn toàn có thể lựa chọn theo hình thức này.

Việc chậm trễ tổ chức họp không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông, tính minh bạch của công ty mà còn khiến dư luận đặt dấu hỏi lớn về sự tôn trọng cổ đông và tuân thủ pháp luật của ban lãnh đạo công ty.

“Việc chậm trễ tổ chức ĐHCĐ thường niên 2020, bất lợi sẽ thuộc về VNA chứ không phải là các cổ đông của mình. Cổ đông VNA có quyền nghi ngờ về tính minh bạch, tính chuyên nghiệp trong hoạt động quản trị của doanh nghiệp, cũng như triển vọng tương lai của VNA. Khi niềm tin giữa cổ đông và doanh nghiệp có sự rạn nứt, các cổ đông của VNA hoàn toàn có thể lựa chọn rời bỏ doanh nghiệp và đến với những doanh nghiệp khác tôn trọng quyền lợi của họ tốt hơn”, ông Trần Nhật Đức, Giám đốc truyền thông Công ty CP Công nghệ tài chính Fialda nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đức, hơn lúc nào hết, trong giai đoạn kinh doanh đầy khó khăn này, VNA cần sự ủng hộ của cổ đông nhiều hơn. Và đừng quên, chính những cổ đông đó lại là những khách hàng cao cấp nhất của mỗi doanh nghiệp. Họ có thể vừa lựa chọn rời bỏ, không đầu tư thêm vốn của mình vào doanh nghiệp, vừa rời bỏ không sử dụng sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp đó nữa.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn ĐHCĐ đến cuối tháng 9 năm nay do tình hình dịch bệnh khó khăn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu lùi đến tháng 9, kế hoạch của doanh nghiệp trong năm 2020 đến khi đó mới được quyết định thì quá muộn.

“Tình hình càng khó khăn, càng bất định thì càng cần sớm bàn bạc để sớm có giải pháp, sớm xác định việc cần làm và phải làm… Càng chậm trễ tổ chức ĐHCĐ, càng chậm có thông tin thì cổ đông càng hoang mang và ảnh hưởng không tốt cho thị trường”, vị chuyên gia cho biết.

Chuyên đề