Liên hợp quốc nỗ lực gia hạn sáng kiến ngũ cốc Biển Đen

0:00 / 0:00
0:00
Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các bên thể hiện thiện chí thực hiện sáng kiến ngũ cốc Biển Đen và tạo điều kiện để các tàu chở ngũ cốc di chuyển kịp thời, an toàn và thông suốt.
Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mỳ của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu MV Brave Commander chở 30 tấn lúa mỳ của Ukraine cập cảng của Djibouti ngày 30/8/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/11, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, bà Stephanie Tremblay cho biết Liên hợp quốc sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tham vấn nhằm gia hạn sáng kiến ngũ cốc Biển Đen do Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian.

Theo kế hoạch, Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) Rebeca Grynspan và Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Martin Griffiths sẽ có cuộc họp với một phái đoàn cấp cao Nga do Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Vershinin dẫn đầu vào ngày 11/11 tại Geneva (Thụy Sĩ).

Bà Tremblay nhận định đây là một diễn biến mới trong các cuộc đàm phán, đồng thời nhấn mạnh Liên hợp quốc tiếp tục kêu gọi các bên thể hiện thiện chí thực hiện sáng kiến trên và tạo điều kiện để các tàu chở ngũ cốc di chuyển kịp thời, an toàn và thông suốt.

Bà cũng lưu ý rằng “tuyến cung ứng quan trọng" này cần được duy trì để tiếp tục vận chuyển thêm nhiều lương thực hơn nữa cho thế giới.

Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen, được ký kết ngày 22/7 tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 120 ngày, theo đó sẽ hết hiệu lực vào ngày 19/11 tới. Các bên đã nhất trí rằng thỏa thuận này có thể được gia hạn tự động nếu không bên nào phản đối.

Tuy nhiên, ngày 29/10, Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận, tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen sau khi xảy ra một vụ tấn công nhằm vào hạm đội Nga tại bán đảo Crimea.

Ngày 2/11, Bộ Quốc phòng Nga thông báo quyết định tham gia trở lại thỏa thuận sau khi Ukraine, thông qua trung gian Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo bằng văn bản rằng nước này sẽ không sử dụng hành lang an ninh ở Biển Đen cho mục đích quân sự.

Cùng với sáng kiến trên còn có một thỏa thuận song song tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Liên hợp quốc cho rằng xuất khẩu ngũ cốc của Nga đã tăng, nhưng điều này cần phải được thực hiện để giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xuất khẩu phân bón của Nga.

Liên hợp quốc cũng bày tỏ hy vọng các cuộc thảo luận với phái đoàn Nga sắp tới sẽ đạt tiến bộ trong việc tạo điều kiện cho lương thực và phân bón có nguồn gốc Nga được xuất khẩu ra thị trường thế giới./.

Chuyên đề