Liên danh Xây lắp 368 - Phương Thành bị loại tại Gói thầu nút giao Tân Vạn. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Gói thầu trên có giá dự toán 1.848,763 tỷ đồng, thuộc Dự án thành phần 5 Xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương làm Chủ đầu tư, Công ty CP Việt Quốc làm Bên mời thầu.
Tại thời điểm đóng thầu (ngày 28/12/2023), Gói thầu có 2 nhà thầu nộp HSDT. Theo kết quả đánh giá HSDT, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả - Công ty CP Xây dựng Đèo Cả - Công ty CP Xây lắp thương mại Delta - Công ty CP Xây dựng hạ tầng Bắc Trung Nam - Công ty CP Xây dựng và Đầu tư 492 - Công ty CP Hải Đăng - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật với tổng điểm 94,5/100 điểm và trúng thầu với giá 1.831,644 tỷ đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 1.050 ngày (rút ngắn 30 ngày so với tiến độ mời thầu).
Liên danh Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành bị loại tại bước đánh giá về kỹ thuật. Bên mời thầu cho biết, Liên danh bị loại vì không có kinh nghiệm thực hiện công trình tương tự có kết cấu công trình giao thông cầu đường bộ (dầm bê tông cốt thép dự ứng lực, có móng đặt trên nền cọc khoan nhồi có đường kính từ 1.500 mm), cấp II trở lên. Trong HSDT của Nhà thầu, nhân sự được đề xuất vị trí chỉ huy trưởng công trường là ông Vũ Khắc Điệp và nhân sự bổ sung là ông Nguyễn Văn Hạnh không có kinh nghiệm thực hiện hoàn thành 1 hợp đồng thi công xây dựng công trình giao thông đường bộ từ cấp I trở lên. Bên cạnh đó, nhà thầu phụ đặc biệt của Liên danh là Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và Kiến trúc công trình giao thông không có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tư vấn khảo sát, lập thiết kế xây dựng công trình giao thông (trong đó có công trình đường bộ từ cấp I trở lên) có giá trị hợp đồng từ 4,32 tỷ đồng trở lên.
Không đồng ý với kết quả đánh giá HSDT, ngày 3/2/2024, ngày 7/2/2024 và ngày 20/3/2024, Liên danh Công ty CP Xây lắp 368 - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (thành viên đứng đầu là Công ty CP Xây lắp 368) đã có đơn khiếu nại và kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu. Liên danh nhà thầu cho rằng, đánh giá của Bên mời thầu mang tính áp đặt, thiếu công bằng, minh bạch và dựa vào quan điểm riêng. Trong HSDT, Nhà thầu có nộp tổ hợp 2 hợp đồng để chứng minh kinh nghiệm thực hiện công trình tương tự nhưng Bên mời thầu “chẻ nhỏ” hạng mục hợp đồng tương tự của Nhà thầu để đánh giá không đạt yêu cầu.
Nhà thầu cho biết, để chứng minh thêm về khả năng huy động nhân sự chủ chốt, Liên danh nhà thầu đã bổ sung ông Nguyễn Văn Hạnh vào vị trí chỉ huy trưởng chứ không phải để thay thế ông Vũ Khắc Điệp.
Nhà thầu bị loại khẳng định, nhà thầu phụ đặc biệt là Công ty CP Tư vấn kỹ thuật và Kiến trúc công trình giao thông có kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tư vấn khảo sát, lập thiết kế xây dựng công trình giao thông (cầu Đồng Việt ở tỉnh Bắc Giang) có giá trị 12,9 tỷ đồng, lớn hơn yêu cầu của hồ sơ mời thầu là 4,32 tỷ đồng…
Ngày 25/3/2024, trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương cho biết, Bên mời thầu, Chủ đầu tư và đơn vị thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu (Công ty CP Tư vấn kỹ thuật xây dựng đô thị Liên Thành) đã rà soát và thống nhất các nội dung về lý do loại nhà thầu. Tuy nhiên, khi công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, Liên danh nhà thầu bị loại tiếp tục có đơn kiến nghị. Chủ đầu tư đang yêu cầu Bên mời thầu rà soát lại từng nội dung kiến nghị, báo cáo Chủ đầu tư để sớm có văn bản trả lời. Hiện nay, Chủ đầu tư vẫn trong quá trình thương thảo hợp đồng với Liên danh trúng thầu chứ chưa ký hợp đồng.
Ông Nguyễn Lê Tuân, Chánh thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, Gói thầu XL1 có quy mô lớn và phức tạp về kỹ thuật, các tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm nhà thầu có sự đan xen giữa pháp luật đấu thầu và pháp luật chuyên ngành. Quan điểm của Sở Kế hoạch và Đầu tư là bước đầu yêu cầu Chủ đầu tư trả lời kiến nghị của nhà thầu. Nếu nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị, tiếp tục kiến nghị đến cấp có thẩm quyền thì Sở sẽ thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
Chuyên gia về đấu thầu cho rằng, quan điểm đánh giá HSDT của Bên mời thầu, Chủ đầu tư và Tư vấn thẩm định khác với cách tự đánh giá HSDT của nhà thầu. Cơ quan chức năng ở địa phương nên sớm thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, thu thập đầy đủ thông tin từ HSMT, HSDT để đánh giá khách quan, toàn diện các nội dung kiến nghị, giải quyết dứt điểm vấn đề, tránh tình trạng kiến nghị kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình quan trọng quốc gia.