Lấp lỗ hổng trong xã hội hóa đầu tư trang thiết bị y tế

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai để điều tra một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện đề án lắp đặt máy, thiết bị y tế theo hình thức xã hội hóa (XHH). Vụ án làm bộc lộ “lỗ hổng” trong quản lý nhà nước đối với hình thức đầu tư này.
Hình thức xã hội hóa đầu tư lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Trần Sơn
Hình thức xã hội hóa đầu tư lĩnh vực y tế nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Trần Sơn

Nhiều khoảng trống trong quản lý và triển khai xã hội hóa

Chủ trương XHH đầu tư dịch vụ y tế là đúng đắn và phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Tại cuộc làm việc mới đây với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, để đáp ứng nhu cầu đầu tư của ngành y tế, nếu chỉ trông chờ vào đầu tư công là không đủ, mà cần phải huy động nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước theo hình thức đầu tư XHH... Mặt khác, hình thức này cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, thực tế triển khai chủ trương XHH trong thời gian qua đang bị méo mó, do nhiều nguyên nhân.

Trước tiên, về bản chất, theo ông Lê Văn Tăng - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, từ trước tới nay, các bệnh viện không muốn thực hiện theo phương thức PPP vì quy trình chặt chẽ, bài bản. Cho đến nay, các văn bản pháp luật quy định về hình thức đầu tư XHH lĩnh vực y tế khá chung chung, không có sự ràng buộc chặt chẽ về quy trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, công khai, minh bạch thông tin...

Khác với các hình thức XHH do tư nhân đầu tư hoàn toàn, đây là hình thức liên doanh, liên kết đặt máy tại bệnh viện công. Tuy nhiên, một số hợp đồng liên doanh, liên kết chỉ tính theo số lần khám để phân chia lợi nhuận và làm sao nhanh chóng thu hồi vốn đầu tư, nhưng lại không tính đầy đủ chi phí như máy được đặt trên đất công, sử dụng hệ thống nhân viên phục vụ, giá trị thương hiệu và uy tín của bệnh viện công, điều chỉnh tỷ lệ phân chia khi số ca sử dụng dịch vụ tăng...

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị y tế khác với các loại hàng hóa thông dụng khác. Đây là loại hàng hóa đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn cao và liên quan đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và cụ thể để mua sắm mặt hàng này, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm phải tương ứng với giá cả. Do không có hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng, nên việc mua sắm mặt hàng này đang bị thả nổi, không được quản lý chặt chẽ, mặc cho các bên tự “thổi giá”.

Thứ hai là thông tin, quy trình lựa chọn nhà đầu tư thiết bị, vật tư y tế theo hình thức XHH chưa được công khai, minh bạch, nhiều nơi không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh; giá cả phó mặc cho nhà cung cấp, đơn vị thẩm định giá. Từ đó tạo ra kẽ hở cho các bên dễ dàng bắt tay nâng khống giá để trục lợi, lạm thu của người bệnh.

Ngoài ra, còn phải kể đến lỗ hổng trong việc quản lý nhập khẩu trang thiết bị y tế. Thực tế có hiện tượng các nhà nhập khẩu kê khai với cơ quan hải quan giá thấp để giảm thuế nhập khẩu, sau đó tìm cách nâng giá bằng việc mua bán lòng vòng, nâng khống giá trị...

“Nếu những lỗ hổng này vẫn còn thì người bệnh tiếp tục bị “móc túi”, phải gánh chi phí khám chữa bệnh đắt đỏ khi số lượng các bệnh viện tự chủ hoàn toàn (tức là tự thu - chi) ngày càng gia tăng”, vị chuyên gia này lo lắng.

Đẩy mạnh công khai, minh bạch thông tin

Động thái mới nhất của Bộ Y tế được ghi nhận là việc khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế. Theo đó, đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế (hãng, văn phòng đại diện, công ty được chủ sở hữu ủy quyền) sẽ công khai giá, cấu hình thiết bị y tế… trên cổng thông tin này. Từ đó tiến tới công khai, minh bạch giá trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế cho các cơ sở y tế tham khảo, lập dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Mặt khác, việc bổ sung các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH vào phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2020) cũng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, hạn chế tình trạng khép kín. Điều này cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả của hình thức đầu tư XHH, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.

Theo Nghị định 25/2020/NĐ-CP, danh mục dự án XHH phải được công bố rộng rãi trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, làm cơ sở xác định số lượng nhà đầu tư quan tâm thực hiện dự án. Trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên quan tâm, việc tổ chức đấu thầu áp dụng quy trình đấu thầu rộng rãi theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, trong đó yêu cầu phải công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; dự án phải thực hiện đàm phán, hoàn thiện, ký kết hợp đồng. Trường hợp có một nhà đầu tư quan tâm, cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật chuyên ngành, pháp luật về XHH.

Chuyên đề