Lãnh đạo Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã có mặt tại Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông

0:00 / 0:00
0:00

Phó Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc vừa tới Việt Nam, trực tiếp chỉ đạo Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, đẩy nhanh tiến độ để kịp vận hành thử nghiệm toàn hệ thống trong tháng 12 tới.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông

Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Cục 6 đường sắt Trung Quốc đã tới Hà Nội vào ngày 20/11. Vị này thực hiện cách ly tại khu vực Dự án theo quy định y tế. Trong thời gian cách ly, Lãnh đạo Cục 6 sẽ điều hành, chỉ đạo Dự án theo cách phù hợp.

Đây là lãnh đạo cấp cao của Cục 6 đường sắt Trung Quốc, trực tiếp chỉ đạo trong giai đoạn tới để hoàn tất Dự án, kịp mốc vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong tháng 12 tới.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đường sắt, chuyên gia tư vấn của Pháp cũng đã đến Hà Nội và đang thực hiện cách ly. Đây là nhân sự quan trọng, trực tiếp tham gia khâu kiểm định an toàn để vận hành Dự án.

“Cho đến nay các nhân sự, chuyên gia Trung Quốc quan trọng gần như đã có mặt đầy đủ tại Việt Nam. Thời gian tới, các tư vấn Pháp và nhân sự Trung Quốc còn lại sẽ tiếp tục sang Việt Nam” - lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đường sắt nói.

Các nhân sự của Tổng thầu đang làm việc tại Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang tập trung thực hiện công tác khắc phục những chi tiết còn tồn tại được nêu ra trong hồ sơ nghiệm thu các hạng mục thành phần. Trong đó có hoàn thiện hệ thống phòng cháy chữa cháy theo yêu cầu của cơ quan cấp chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, làm hồ sơ hoàn công.

Về kế hoạch vận hành toàn hệ thống Dự án, Lãnh đạo Ban Quản lý Dự án Đường sắt cho biết sẽ diễn ra vào tháng 12 tới đây. Thời gian thử nghiệm sẽ kéo dài trong 20 ngày. Quá trình vận hành thử hệ thống, trường hợp hạng mục kỹ thuật chưa đạt yêu cầu thiết kế, Ban Quản lý Dự án yêu cầu Tổng thầu tiếp tục khắc phục.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về tình hình triển khai Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) hồi cuối tháng 10, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện. Bộ trưởng GTVT cũng cam kết cố gắng tối đa để đưa Dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đây là dự án đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam, được ký kết vào năm 2008. Việc Dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có Dự án của Bộ GTVT.

Hiện nay khối lượng xây lắp và thiết bị đã cơ bản hoàn thành, đã nghiệm thu 5/5 hạng mục công trình và 9/11 chuyên ngành thiết bị. Công việc chính hiện nay là hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các công trình thành phần, thanh quyết toán, vận hành thử toàn bộ hệ thống, đồng thời tiếp tục thực hiện đánh giá an toàn của Tư vấn trong quá trình vận hành thử hệ thống.

Có một số tồn tại mà bản thân Chủ đầu tư, TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan không giải quyết được, vì vậy Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã đưa ra các quyết sách để giải quyết theo đúng pháp luật và với tinh thần: Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của Chủ đầu tư hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình.

Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, TP. Hà Nội có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Vấn đề sử dụng nhanh chóng, an toàn đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông là nhiệm vụ chính trị đặc biệt mà chủ đầu tư, TP. Hà Nội phải tập trung sức lực. Các ngành phải xắn tay hợp tác tháo gỡ với trách nhiệm cao nhất.

An toàn phải đặt lên hàng đầu, Thủ tướng nêu rõ: Nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn. Các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận Dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên… Hà Nội phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của Tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Theo kế hoạch ban đầu, Dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn “lỡ hẹn” không thể đưa vào khai thác.

Chuyên đề