Lạng Sơn muốn thành “trung tâm điện gió”

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Danh mục đề xuất các dự án điện gió tỉnh Lạng Sơn tham gia đấu thầu trong các giai đoạn quy hoạch tại Đề án tổng thể phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu 27 dự án và 8 dự án sau năm 2030. Đây là bước đi cho thấy quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành “trung tâm năng lượng tái tạo” tại Bắc Bộ của tỉnh Lạng Sơn.
Lạng Sơn được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng gió tốt nhất vùng Bắc Bộ, phù hợp để phát triển các dự án điện gió. Ảnh: Thiều Hải Yến
Lạng Sơn được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng gió tốt nhất vùng Bắc Bộ, phù hợp để phát triển các dự án điện gió. Ảnh: Thiều Hải Yến

Theo Danh mục đề xuất các dự án điện gió tỉnh Lạng Sơn tham gia đấu thầu trong các giai đoạn quy hoạch tại Đề án tổng thể phát triển điện gió tỉnh Lạng Sơn, trong giai đoạn 2021 - 2030, Tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu 27 dự án và 8 dự án sau năm 2030. Đây là bước đi cho thấy quyết tâm thực hiện mục tiêu trở thành “trung tâm năng lượng tái tạo” tại phía Bắc của tỉnh Lạng Sơn.

Cụ thể, trong giai đoạn tới năm 2030, sẽ có 27 dự án điện gió tham gia đấu thầu với tổng công suất 3.570MW. Một số dự án điển hình như: Nhà máy Điện gió Đình Lập 1 công suất 100MW; Nhà máy Điện gió Văn Quan 1 công suất 100 MW; Nhà máy Điện gió Cao Lộc 1 công suất 100 MW; Nhà máy Điện gió Đình Lập 4 công suất 126 MW; Nhà máy Điện gió Hữu Kiên 120 MW; Nhà máy Điện gió Đình Lập 2C công suất 350 MW; Nhà máy Điện gió Bắc Sơn 450 MW…

Giai đoạn sau năm 2030, sẽ đấu thầu 8 dự án với tổng công suất khoảng 1.126MW bao gồm một số nhà máy đáng chú ý như: T&T OCG Lộc Bình công suất 200MW; Lộc Bình 2 công suất 150 MW…

Về cơ chế đấu thầu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho hay, theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, hàng năm, Bộ Công Thương sẽ lập kế hoạch triển khai quy hoạch, trong đó sẽ rà soát, cập nhật tiến độ nguồn - lưới điện, phân bổ các nguồn năng lượng tái tạo cho các tỉnh. Trên cơ sở đó, các tỉnh sẽ tổ chức đấu thầu dự án đầu tư. “Các dự án điện gió sẽ được xếp hạng dựa trên giá điện đề xuất của nhà đầu tư (căn cứ trên điều kiện kỹ thuật, năng lực nhà đầu tư) và nhà đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm về đề xuất này”, Sở Công Thương thông tin.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Đại, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện tái tạo cũng là xu hướng tất yếu, phù hợp với quy luật thị trường. Chúng tôi đang xây dựng chính sách để phục vụ cho hoạt động này”. Việc tổ chức đấu thầu dự án năng lượng (điện gió) sẽ giúp Lạng Sơn chọn được nhà đầu tư có năng lực, khai thác hiệu quả lợi thế của địa phương cũng như góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo số liệu của Viện Năng lượng Việt Nam, Global Wind Atlas, Chương trình hỗ trợ quản lý ngành năng lượng (ESMAP) của Ngân hàng thế giới…, Lạng Sơn được đánh giá là một trong những tỉnh có tiềm năng gió tốt nhất vùng Bắc Bộ của Việt Nam với tốc độ gió trung bình từ 5,5 - 6,5 m/s và một số khu vực có tốc độ gió trung bình đạt 7 m/s, phù hợp để phát triển các dự án điện gió.

Với lợi thế đó, thời gian qua, Lạng Sơn đã thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm đăng ký đầu tư các dự án điện gió. Trong đó, nhiều nhà đầu tư có tên tuổi trong và ngoài nước như: Công ty TNHH BayWa r.e Wind Project Việt Nam, Công ty TNHH GE Việt Nam, Công ty Wind Power Development A/S; Licogi 16…

Tính đến tháng 4/2022, Lạng Sơn đã có 33 dự án điện gió của 16 chủ đầu tư trong nước và ngoài nước với tổng công suất 4.696 MW đăng ký thực hiện và được tỉnh chấp thuận chủ trương nghiên cứu khảo sát. Một số dự án điện gió có quy mô lớn được các nhà đầu tư đề xuất như: Điện gió Đình Lập 2 của Công ty CP Đầu tư EMI (650 MW), Điện gió Bắc Sơn của Công ty Wind Power Development A/S (450 MW) và Điện gió Ái Quốc của Công ty TNHH GE Việt Nam… Hiện một số đơn vị đã lắp đặt cột đo gió để khảo sát chất lượng gió, đánh giá kết quả sơ bộ ban đầu rất khả quan.

Chuyên đề