Lắng nghe và kiên định góc nhìn khách quan

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thời gian qua, bức tranh kinh tế - xã hội nói chung và thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp nói riêng được phản ánh rõ nét, liên tục trên các sản phẩm báo chí. Từ đó, nhiều ý kiến phân tích và kiến nghị giải pháp được chuyển tải đến cơ quan chức năng, khiến báo chí không chỉ thực hiện chức năng giám sát, phản ánh, mà còn trở thành kênh phản biện hiệu quả, góp phần xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế.
Báo chí là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm hoạch định, xây dựng, điều chỉnh chính sách. Ảnh: Văn Điệp
Báo chí là nguồn thông tin quý báu giúp cơ quan quản lý tham khảo nhằm hoạch định, xây dựng, điều chỉnh chính sách. Ảnh: Văn Điệp

Góp phần kiến tạo và lan tỏa

Năm 2024, việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 trong 3 tháng đầu năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân khoảng 11.488 tỷ đồng. Trong năm 2023, ước tính quy mô các giải pháp hỗ trợ thuế, phí và lệ phí cho người dân, doanh nghiệp lên tới 196.000 tỷ đồng. Thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN, tổng lũy kế đến 31/12/2023, có gần 188 nghìn lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu là trên 183,5 nghìn tỷ đồng. Đây là vài con số đáng chú ý trong rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh được Quốc hội, Chính phủ thực thi trong thời gian qua.

Song hành với những con số và kết quả đó, dòng chảy thông tin trên báo chí không ngừng làm rõ những diễn biến mới trong bức tranh kinh tế nước nhà cùng với việc chuyển tải những góc nhìn phân tích và ý kiến phản biện về các chính sách đang được thực thi.

Nhận xét về sự hỗ trợ của báo chí với việc thực thi nhiệm vụ của ngành thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành nhấn mạnh: “Trong nhiều năm qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành thuế đã liên tục hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Có được kết quả đó là do có sự đóng góp không nhỏ của các cơ quan báo chí trong việc góp ý, xây dựng, hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài nước an tâm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí đã tham gia tích cực vào quá trình cải cách thủ tục hành chính và chuyển đổi số của ngành thuế, từ đó tạo sức lan tỏa mạnh mẽ tới các cơ quan trong và ngoài ngành thuế. Sự đồng hành của báo chí giúp lan tỏa chính sách và công tác quản lý thuế đến đông đảo Nhân dân”.

Từ góc độ một chuyên gia kinh tế lâu năm, có đóng góp nhiều ý kiến phản biện chính sách trên báo chí, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhận xét: “Có thể thấy, Chính phủ và các cơ quan tham mưu chính sách đã rất cầu thị trong thời gian qua, thể hiện rõ từ việc tiếp thu nhiều kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình xây dựng, thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh”.

Theo ông Thịnh, trong quá trình này, báo chí đóng vai trò chủ lực trong việc chuyển tải các chính sách, định hướng của Chính phủ, đón nhận phản hồi và phân tích của doanh nghiệp và giới nghiên cứu để xây dựng các cơ chế hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp với thực tế. Điều này được thấy rõ qua các chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng, các loại phí, gia hạn nợ, giảm lãi suất cho các nhóm đối tượng ưu tiên, tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ an sinh cho các đối tượng chịu thiệt thòi trong đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, có một số trường hợp thông tin trên báo chí được phản ánh chưa chuẩn xác vấn đề, thậm chí bị “dẫn dắt” bởi mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách của Nhà nước, làm giảm niềm tin của bạn đọc. Bên cạnh đó, không ít bài báo chỉ phản ánh theo xu hướng tiêu cực hoặc tích cực mà thiếu lý giải về các nguyên nhân, đề xuất giải pháp trong khi báo chí hiện đại cần đề cao tính khách quan, theo xu hướng kiến tạo.

“Làm nghề nào cũng khó, nghề làm báo vừa khó ở sự hiểu biết, vừa thách thức ở khả năng kết nối và sự hợp tác của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, nếu người làm báo nỗ lực học hỏi, thật sự công tâm, suy nghĩ thấu đáo thì sẽ có những bài viết khách quan và có ích. Nhiều phóng viên đã làm tốt điều này, đóng góp tích cực cho các cơ quan chức năng trong việc giải quyết vướng mắc, xây dựng và thực thi chính sách”, ông Thịnh chia sẻ.

Cùng nhau thấu hiểu và sẻ chia

Từ góc độ doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đánh giá cao công tác truyền thông chính sách trong thời gian qua, giúp cộng đồng doanh nghiệp tận dụng được nhiều cơ chế hỗ trợ của Nhà nước. Để làm tốt hơn nữa vai trò truyền thông và xây dựng chính sách, ông Nam cho rằng, báo chí cần thực sự trở thành người bạn lâu năm, đồng hành cùng doanh nghiệp. Khi đó, báo chí - doanh nghiệp có thể cùng thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

“Tôi mong muốn các cơ quan báo chí, truyền thông có sự thấu hiểu nhiều hơn đối với doanh nghiệp để phản ánh xã hội, phản ánh những bất cập tác động tới thị trường và hoạch định chính sách. Muốn làm được điều đó, cơ quan báo chí cần chủ động đến gần doanh nghiệp với tinh thần thiện chí, xây dựng. Bên cạnh đó, báo chí cần lên án, đấu tranh với tiêu cực bằng thái độ công bằng, nhưng cũng cần có sự chia sẻ đúng mực với các bên liên quan khi phản ánh các vi phạm. Trong đó, hết sức coi trọng yếu tố sinh tồn của doanh nghiệp”, ông Nam nhấn mạnh.

Bà Lê Dung, Tổng giám đốc Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực DGroup đề xuất, người làm báo cần tăng cường tính tương tác và phản hồi. Theo đó, báo chí nên tạo điều kiện để doanh nghiệp và độc giả tương tác trực tiếp, đưa ra phản hồi và góp ý. Điều này không chỉ giúp báo chí hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp mà còn cải thiện chất lượng thông tin. Báo chí cần xây dựng các kênh tương tác đa chiều, cho phép độc giả và doanh nghiệp tham gia vào quá trình tạo dựng nội dung và đóng góp ý kiến.

Nhiều năm làm công tác tham vấn chính sách và tương tác tích cực với báo chí, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ: "Hơn 40 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hoạch định chính sách, tôi đã chứng kiến nhiều câu chuyện thực tế cho thấy, báo chí có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thành công hay thất bại của chính sách do các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng và đưa vào thực tế. Không có báo chí đi trước mở đường, chính sách khó có thể được đông đảo người dân đón nhận và đồng thuận. Ngược lại, khi báo chí đã lên tiếng phản đối, chính sách có thể “chết yểu” ngay từ khi còn trong trứng, thậm chí khai tử ngay trước giờ ban hành dù đã qua quá trình xây dựng và thẩm định kỹ lưỡng".

Chỉ thị số 7/CT-TTg ngày 21/3/2023 về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách nêu rõ, trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác truyền thông chính sách cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách.

Một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với các cơ quan chức năng là: “Chủ động, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách”.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư