Lan tỏa mô hình khu công nghiệp sinh thái

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu vừa được tổng kết. Các nỗ lực xây dựng, chuyển đổi theo mô hình này đã lan tỏa và sẽ tiếp tục được duy trì. Nhiều địa phương coi mô hình KCNST là xu hướng phát triển tất yếu trong thời gian tới và lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều khu công nghiệp đã chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái với nguồn vốn thực hiện từ khu vực tư nhân. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều khu công nghiệp đã chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái với nguồn vốn thực hiện từ khu vực tư nhân. Ảnh: Lê Tiên

Hoàn thành các mục tiêu đề ra

KCNST tại Việt Nam được triển khai thí điểm từ năm 2015 và Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu” được thực hiện từ tháng 5/2020 đến nay. Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, đặc biệt là Ban Thư ký Nhà nước Thụy Sỹ về các vấn đề kinh tế (SECO), Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) và các bộ, ngành trung ương, mô hình này ngày càng phát huy hiệu quả.

Tại Hội thảo tổng kết Dự án tổ chức ngày 12/4/2024 tại TP.HCM, ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, đến nay, Dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, nổi bật là: khuyến khích phát triển và lồng ghép KCNST trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội phát triển KCNST nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN).

Sau khi mô hình KCNST thí điểm (giai đoạn 2015 - 2019) được thực hiện tại 4 KCN (Khánh Phú, Gián Khẩu tại Ninh Bình; Hòa Khánh tại Đà Nẵng; Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 tại Cần Thơ), từ năm 2020 đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCNST tại các địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai, TP.HCM. Kết quả, 603 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) đã được đề xuất tại 3 KCN: Hiệp Phước (TP.HCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng). Trong số đó, 217 giải pháp đã được thực hiện, góp phần tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và đem lại lợi ích kinh tế cho DN. Dự án cũng đã đề xuất thực hiện 62 giải pháp cộng sinh công nghiệp, cộng sinh công nghiệp - đô thị cho 5 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Bà Lê Thị Thanh Thảo, Trưởng đại diện UNIDO tại Việt Nam cho rằng, thời gian qua, các cơ quan quản lý của Việt Nam và các DN có cơ hội tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, các quốc gia trên thế giới như Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Indonesia để xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn KCNST tại Việt Nam tiệm cận với khung quốc tế. Những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ Dự án góp phần nhân rộng việc thực hiện mô hình KCNST để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.

Lựa chọn tất yếu

Hiện nay, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, là một lựa chọn tất yếu. Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia tham gia Chương trình KCNST toàn cầu. Điều này giúp Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt được tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam bình luận, thực tế cho thấy, với sự hỗ trợ của Dự án, thời gian qua, Việt Nam đã ban hành các quy định liên quan đến quản lý chất thải rắn công nghiệp, tái sử dụng và tái chế nước thải. Trong thời gian tới, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách vào thực tiễn, thúc đẩy ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm thực hiện kinh tế tuần hoàn và thúc đẩy sự cam kết của khu vực tư nhân trong đầu tư xanh. Ngoài ra, việc xây dựng các tiêu chí và chỉ số của KCNST dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất sẽ là công cụ thiết yếu để giám sát hoạt động của các KCN và KCNST.

Một tín hiệu đáng mừng là việc chuyển đổi từ KCN thông thường sang mô hình KCNST không chỉ dừng ở các KCN trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các nhà tài trợ quốc tế mà đã được lan tỏa sang các KCN khác với nguồn vốn tự thực hiện từ khu vực tư nhân. Trong số này có thể kể đến KCN Nam Cầu Kiền ở Hải Phòng, các KCN của Tập đoàn Becamex; các KCN xanh, tiết kiệm năng lượng của Tập đoàn VSIP... Đồng thời, các địa phương đã coi mô hình KCNST là xu hướng phát triển tất yếu, lồng ghép việc phát triển các KCN theo hướng bền vững vào các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, thể hiện cam kết mạnh mẽ của địa phương trong việc phát triển kinh tế cân bằng với đảm bảo yếu tố môi trường và xã hội.

Mặc dù việc xây dựng và chuyển đổi sang mô hình KCNST mang lại hiệu quả bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội cho phát triển công nghiệp, là yêu cầu bức thiết, xu thế tất yếu trong phát triển công nghiệp hiện nay, nhưng không hề dễ dàng và vẫn còn rất nhiều việc phải làm. “Bên cạnh yêu cầu cần phải tiếp tục đồng bộ, hoàn thiện khung pháp lý, còn đòi hỏi thay đổi tư duy, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực rất lớn của Nhà nước và DN... Chúng tôi hy vọng các DN đầu tư hạ tầng KCN, DN sản xuất trong KCN tiếp tục nhân rộng mô hình này”, ông Lê Thành Quân nhấn mạnh.

Chuyên đề