“Làn sóng” tăng vốn điều lệ của các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng tài sản và năng lực cạnh tranh, nhiều ngân hàng đã có kế hoạch tăng vốn từ nhiều năm nhưng chưa thành công. Tuy nhiên, việc tăng vốn khi tài sản của các ngân hàng có dấu hiệu suy giảm là không dễ dàng.
Trong giai đoạn nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, việc tăng vốn trở nên cấp thiết để bảo đảm sức khỏe tài chính cho các ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi
Trong giai đoạn nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, việc tăng vốn trở nên cấp thiết để bảo đảm sức khỏe tài chính cho các ngân hàng. Ảnh: Nhã Chi

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, Chính phủ trình Quốc hội phương án bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thông (Agribank) giai đoạn 2021 - 2023.

Theo đề xuất, Agribank được đầu tư bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ. Số vốn này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt 6.753 tỷ đồng; 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024. Nếu được thông qua, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Việc tăng vốn điều lệ sẽ giúp Ngân hàng bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%) theo quy định, cải thiện kết quả xếp hạng tín nhiệm.

Cũng trong năm nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) dự kiến phát hành 1,097 tỷ cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 61.557,1 tỷ đồng theo 2 phương thức: phát hành 641,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 12,69%; đồng thời phát hành thêm 455,2 triệu cổ phiếu mới thông qua chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ (theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 thông qua).

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết, Ngân hàng đã có tiếp xúc với 38 nhà đầu tư liên quan tới kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần mà ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 đã thông qua. Tuy nhiên, bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi đã thu hẹp khẩu vị đầu tư, hạn chế khả năng mở rộng rót vốn của họ vào Việt Nam. Năm 2023, BIDV sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện, đã có một số nhà đầu tư tiềm năng, BIDV sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các đối tác để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp nhất.

NHNN cũng vừa có văn bản chấp thuận việc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng, theo phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020.

Theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025”, các ngân hàng thương mại phải có biện pháp bảo đảm có số vốn điều lệ đến năm 2025, như sau: vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng; vốn điều lệ của nhóm ngân hàng thương mại trong nước có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ và trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.

Trước đó, cuối tháng 3/2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tổ chức lễ ký kết thỏa thuận phát hành riêng lẻ 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), thuộc Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc (SMFG) của Nhật Bản.

Với thỏa thuận này, SMBC Group trở thành nhà đầu tư chiến lược và mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của VPBank từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư lần này là một phần trong kế hoạch tăng vốn đã được VPBank thực hiện từ năm 2022.

Ngày 23/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) đã trình cổ đông việc tăng vốn điều lệ thêm 11.385 tỷ đồng, lên 28.676 tỷ đồng trong năm 2023 thông qua việc chia cổ tức, chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Trần Tánh, Phó phòng Phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, các ngân hàng thương mại Việt Nam đều muốn tăng vốn điều lệ do mức vốn hiện khá “mỏng” so với quy mô hoạt động. Những năm gần đây, áp lực cải thiện sức khỏe tài chính và cạnh tranh càng cao, khiến hầu hết ngân hàng đều muốn tăng vốn điều lệ. Đặc biệt, trong giai đoạn chất lượng tài sản đang đi xuống do nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, việc tăng vốn càng trở nên cấp thiết với các nhà băng. Tuy nhiên, việc tăng vốn được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

“Hầu hết ngân hàng đều tính đến giải pháp tăng vốn điều lệ bằng cách bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, nhưng không phải ngân hàng nào cũng làm được. Vietcombank và BIDV đã tính toán phương án này từ mấy năm nhưng chưa hoàn thành, hy vọng năm nay sẽ làm được. LPBank có kế hoạch nhưng chưa có động thái gì mới. Việc bán vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài không dễ dàng bởi vẫn còn sự “giằng co” về giá cả, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại và quy trình thẩm định, phê duyệt khắt khe đối với các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước. Nếu không tăng vốn kịp thời, nhiều ngân hàng khó giữ các chỉ số tài chính ở mức an toàn, tích cực”, ông Tánh nói.

Chuyên đề