Từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai 46 dự án PPP với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiên |
Nhiều địa phương thiếu vắng dự án PPP
Năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản đề nghị các đơn vị trực thuộc đăng ký danh mục dự án triển khai theo phương thức PPP nhưng không có địa phương nào đăng ký. Năm 2023, có 4 nhà đầu tư đề xuất triển khai 4 dự án theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh). Bốn dự án nằm trong Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu, quy mô sử dụng đất từ 20 - 50 ha. Tuy nhiên, các dự án này thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch, không nằm trong các lĩnh vực đầu tư được nêu tại Điều 4 Luật PPP. Do đó, Vĩnh Phúc đang giao các đơn vị liên quan nghiên cứu, điều chỉnh lại phương thức đầu tư.
Tại Cao Bằng, đến năm 2025, cả tỉnh có 1 dự án kêu gọi đầu tư PPP là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Tại Bắc Kạn, từ 2020 - 2025, Tỉnh không nhắm đến dự án PPP nào…
Tại Hải Dương, ông Nguyễn Hải Châu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho hay, đến nay, Tỉnh có 5 dự án PPP, trong đó có 4 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, 1 dự án điện. Giai đoạn 2024 - 2030, chưa có dự án PPP nào được đề xuất dù Danh mục dự án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024 - 2030 có tới 196 dự án.
Tại Thanh Hóa, giai đoạn 2016 - 2020, Tỉnh phê duyệt danh mục 14 dự án PPP (10 dự án BT, 4 dự án BOT) với tổng vốn đầu tư 72.989,13 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 2 dự án có nhà đầu tư quan tâm thực hiện. Sau giai đoạn này, Thanh Hóa đã xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Đề án thu hút đầu tư PPP giai đoạn 2021 - 2025. Dự thảo Đề án nêu mục tiêu thu hút 48 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 68.000 tỷ đồng. Dù vậy, đến nay, Thanh Hóa mới thu hút được 3 dự án là: Xây dựng hệ thống cấp nước sạch và nước thô chuỗi đô thị dọc Quốc lộ 47, TP. Thanh Hóa và vùng phụ cận; Tuyến đường bộ ven biển đoạn Hoằng Hóa - Sầm Sơn, đoạn Quảng Xương - Nghi Sơn; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP. Sầm Sơn.
Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Quảng Nam lập danh mục đầu tư theo phương thức PPP gồm 31 dự án. Hơn 7 năm kể từ khi ban hành danh mục thu hút đầu tư PPP, các dự án PPP tại Quảng Nam vẫn trong giai đoạn… khởi động. Thu hút đầu tư PPP tiếp tục là thách thức với Quảng Nam khi Danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư năm 2024 - 2025 gồm 233 dự án nhưng không có dự án PPP.
Các địa phương được thí điểm cơ chế đặc thù đang có cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục, các bước thực hiện dự án của Luật PPP và nhiều quy định pháp luật khác.
Bình Định có Dự án Cấp nước sạch trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn được đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOO, tổng vốn hơn 337 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 60% chi phí xây dựng và thiết bị (chiếm khoảng 47,29% tổng mức đầu tư). UBND thị xã Hoài Nhơn đăng tải hồ sơ mời thầu từ tháng 5/2023, nhưng đến nay chưa chọn được nhà đầu tư.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Yên cũng phê duyệt danh mục 26 dự án đầu tư theo phương thức PPP, phần lớn theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, chỉ vài dự án được thực hiện, như: Đường nối Phú Yên - Gia Lai, tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng; Đường nội thị Võ Thị Sáu (giai đoạn 2) phường Xuân Phú, thị xã Sông Cầu (85 tỷ đồng); Nâng cấp, mở rộng đường nội thị Phạm Văn Đồng, thị xã Sông Cầu (150 tỷ đồng)…
Được nhìn nhận là địa phương có nhiều dư địa thu hút đầu tư PPP, đến nay, TP.HCM đã kêu gọi 54 dự án (41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế theo Nghị quyết 181/NQ-HĐND; 5 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu; 8 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được TP. Thủ Đức kêu gọi vốn đầu tư ngày 17/4/2024).
Hình mẫu từ Quảng Ninh
Đầu tư theo phương thức PPP đã được tỉnh Quảng Ninh khởi động từ năm 2011 với 3 hình thức là: “lãnh đạo công - quản trị tư”, “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”, nhằm tái cơ cấu đầu tư, thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng. Bắt đầu từ năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư PPP chưa đầy đủ và đồng bộ, Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư PPP với các mô hình “đầu tư công - quản lý tư”, “đầu tư tư - sử dụng công”. Đến năm 2014, trong quá trình thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển, Tỉnh đã chủ trương thí điểm ở một số dự án. Từ những công trình ban đầu, hình thức đầu tư này đã cho thấy những tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực quản lý, tăng nguồn thu và chia sẻ hiệu quả ngân sách…
Kết quả là từ năm 2013 đến nay, Quảng Ninh đã triển khai 46 dự án PPP với tổng số vốn 58.800 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm 10%, chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng. Theo tính toán, trung bình cứ 1 đồng ngân sách nhà nước bỏ ra huy động được 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ của Quảng Ninh tương đối đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể. Nổi bật là hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, cầu Tình Yêu; đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu; cụm công trình Trung tâm Hành chính Tỉnh, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Trường THPT Hòn Gai…
Quảng Ninh hiện là địa phương có số km đường cao tốc dài nhất nước (176 km), tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế. Qua đó mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực rất lớn; định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của Tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.
Đầu tư hạ tầng mới bằng PPP, Quảng Ninh không chỉ gia tăng cơ hội thu hút thêm nhà đầu tư, mà còn tiết kiệm được một khoản ngân sách không nhỏ để đầu tư cho các hạ tầng khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hợp lý, hiện đại, có hiệu quả và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Mô hình PPP đã giúp Quảng Ninh giải quyết được vấn đề vốn, quản lý công trình sau đầu tư, nâng cao hiệu quả vốn ngân sách nhà nước, tránh được những khoản nợ công, giải tỏa được “cơn khát” về hạ tầng, giải tỏa những e ngại của nhà đầu tư khi đến với địa bàn có nhiều tiềm năng để khai thác trên lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế cảng biển, biên mậu…
Thành công của các dự án PPP, theo UBND tỉnh Quảng Ninh, có được không chỉ nhờ tư duy đổi mới, kiến tạo và hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương, nguồn lực đầu tư từ ngân sách trung ương, địa phương, mà còn là đổi mới từ khâu ban hành nghị quyết, hướng dẫn, kế hoạch cụ thể, gắn với kiểm tra, giám sát, định kỳ đánh giá hiệu quả, nguyên nhân hạn chế, hướng giải quyết, phát huy mô hình sản xuất hiệu quả.
Nghệ An đề xuất đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh theo phương thức PPP với chi phí hơn 10.700 tỷ đồng |
Kỳ vọng cú hích từ cơ chế đặc thù
Cho đến nay, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 3 địa phương được Quốc hội thông qua các nghị quyết về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, bao gồm: Nghệ An, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Cụ thể, Nghệ An được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa. HĐND tỉnh Nghệ An được xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia không quá 70% tổng mức đầu tư đối với các dự án PPP có chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không đảm bảo khả năng hoàn vốn; các dự án trong lĩnh vực thể thao, văn hóa; các dự án thực hiện trên địa bàn miền Tây Nghệ An.
Theo Sở KH&ĐT Nghệ An, Tỉnh đề xuất đầu tư một số dự án PPP như: Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh với chi phí đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng; Cảng nước sâu Cửa Lò với quy mô 3.300 tỷ đồng...
Đối với Đà Nẵng, ngoài các lĩnh vực quy định tại Luật PPP, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao, văn hóa và đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ. Cụ thể, tổng mức đầu tư đối với dự án PPP đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng chợ không thấp hơn 100 tỷ đồng; tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP trong lĩnh vực thể thao, văn hóa do HĐND Thành phố quy định. Theo Sở KH&ĐT Đà Nẵng, đến nay, Thành phố có 3 dự án PPP thuộc lĩnh vực y tế, môi trường và hạ tầng giao thông. Đó là Nút giao khác mức ngã ba Huế (hợp đồng BT) đã hoàn thành; Nhà máy Xử lý chất thải rắn sinh hoạt 1.000 tấn/ngày theo phương thức BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao), do Liên danh Công ty CP Đầu tư và Phát triển đô thị Ecoland - Công ty CP Phát triển sản xuất và Xuất nhập khẩu Huy Hoàng - Công ty CP Môi trường Huy Hoàng Eco đề xuất, đang ở bước đánh giá nghiên cứu khả thi và Dự án Đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu chất lượng cao tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng (đã hoàn thành).
Tháng 6/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa. Từ Nghị quyết này, tỉnh Khánh Hòa đang huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt là vốn FDI và thu hút đầu tư PPP). Dự án PPP mà Khánh Hòa thu hút là cao tốc Nha Trang - Đà Lạt dài 81,5 km (đoạn qua Khánh Hòa khoảng 44 km, qua Lâm Đồng khoảng 37,5 km), chi phí khoảng 20.000 tỷ đồng. Ở dự án này, Khánh Hòa đề nghị cho phép Tỉnh được áp dụng cơ chế đặc thù về tỷ lệ vốn nhà nước không quá 70% tổng mức đầu tư. Bên cạnh đó, Khánh Hòa đã có tờ trình gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Cục Hàng không Việt Nam về Đề án quy hoạch Cảng hàng không Vân Phong (CHK Vân Phong), tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên tổng diện tích đất quy hoạch 497 ha. Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư xây dựng CHK Vân Phong giai đoạn đầu khoảng 7.892 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay). Trong đó, phần vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) hỗ trợ khoảng 2.150 tỷ đồng (27,2%) để thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay; hỗ trợ một phần công tác san nền khu bay. Phần vốn đầu tư BOT khoảng 5.742 tỷ đồng (chiếm 72,8%) bao gồm phần vốn chủ sở hữu và phần vốn vay thương mại do nhà đầu tư huy động. Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 47 năm.
Cũng liên quan đến dự án PPP tại Khánh Hòa và Lâm Đồng, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đã có văn bản gửi lãnh đạo 2 tỉnh này đề xuất được tổ chức nghiên cứu, khảo sát để lập hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án Đường bộ cao tốc từ Nha Trang - Liên Khương theo phương thức PPP. Hiện UBND 2 tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng đã có văn bản giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý đề xuất của Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải. Về phía nhà đầu tư, đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu đề xuất chủ trương đầu tư từ 2024 - 2028. Dự kiến dự án có tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, vốn ngân sách nhà nước tham gia 17.540 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động hơn 7.500 tỷ đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, các địa phương được thí điểm cơ chế đặc thù đang có cơ hội, điều kiện thuận lợi để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, việc thực hiện đầu tư dự án theo cơ chế đặc thù vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục, các bước thực hiện dự án của Luật PPP và nhiều quy định pháp luật khác. Ước tính thời gian thực hiện một dự án PPP tối thiểu khoảng 3 năm, trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian phải ngắn, sớm đưa công trình vận hành, kinh doanh. “Hình thức hợp đồng hiện nay gồm tới 7 loại. Việc áp dụng loại nào để thực hiện phù hợp với dự án, nhất là dự án liên quan thiết chế văn hóa và thể thao theo cơ chế đặc thù mà Quốc hội thông qua vẫn là bài toán khó, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn của các cơ quan thẩm quyền. Không những vậy, việc ban hành khung pháp lý hướng dẫn một số nội dung quy định tại cơ chế đặc thù của các bộ, ngành liên quan chưa kịp tiến độ đề ra, do đó, các địa phương vẫn chờ để được triển khai thực hiện”, TS Trần Du Lịch phân tích thêm.