Ảnh Internet |
Cụ thể, so với tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 chỉ nhích 0,1%. So với cùng kỳ năm trước, CPI đi lên 4% - đánh dấu mức tăng nhỏ nhất trong 12 tháng kể từ tháng 3/2021.
Tuy nhiên, nếu không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, bức tranh lạm phát lại không tích cực bằng. CPI lõi tăng 0,4% so với tháng trước và 5,3% so với một năm trước. Hai con số này cho thấy dù áp lực giá đã giảm phần nào, người tiêu dùng vẫn bị ảnh hưởng bởi việc chi phí sinh hoạt tăng cao.
Theo CNBC, số liệu lạm phát mới nhất của Bộ Lao động Mỹ hoàn toàn trùng khớp với các ước tính của Dow Jones.
Giá năng lượng giảm 3,6% đã giúp kiểm soát phần nào đà tăng của chỉ số CPI trong tháng 5. Trong khi đó, giá thực phẩm chỉ tăng 0,2%.
Song, mức tăng 0,6% của chi phí nhà ở là yếu tố đóng góp lớn nhất vào đà tăng chung của CPI. Các chi phí liên quan đến nhà ở chiếm khoảng một phần ba trọng số của chỉ số này.
Ngoài ra, giá xe hơi đã qua sử dụng tăng 4,4%, bằng với mức của tháng 4; trong khi chi phí dịch vụ vận tải đi lên 0,8%.
Thị trường tài chính không có nhiều phản ứng với thông tin về lạm phát dù rằng rõ ràng thông tin này sẽ ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ của Fed. Nhiều nhà đầu tư dự báo khả năng Fed sẽ không nâng lãi suất chuẩn tại cuộc họp chính sách trong tuần này.
"Xu thế diễn biến tích cực của chỉ số giá tiêu dùng sẽ giúp Fed có thêm dư địa để duy trì lãi suất không thay đổi trong tháng này và nếu xu thế này tiếp diễn, Fed sẽ không nâng lãi suất trong suốt khoảng thời gian còn lại của năm", chuyên gia kinh tế trưởng tại quỹ LPL Financial - ông Jeffrey Roach nhận định.