Lạm phát ở Anh quay lại mức hai con số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá lương thực tăng vọt đã đẩy lạm phát của Anh quay trở lại mức hai con số trong tháng 9/2022, làm tăng áp lực lên chính phủ và ngân hàng trung ương phải hành động để giảm lạm phát.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh (ONS) cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng từ mức 9,9% trong tháng 8 lên 10,1% trong tháng 9. Con số này cao hơn mức lạm phát kỷ lục lần cuối vào năm 1982 vào cao hơn dự báo của các nhà kinh tế là 10%.

Giá thực phẩm và đồ uống, như bánh mì, ngũ cốc, thịt, sữa, phomai và trứng, ghi nhận mức tăng hàng năm gần 15%.

Theo ONS, người tiêu dùng cũng phải đối mặt với việc tăng giá trên nhiều loại hàng hóa và dịch vụ, bao gồm từ giá khách sạn nghỉ qua đêm, đồ nội thất và hàng gia dụng như máy giặt, quạt điện và máy hút bụi.

Mức tăng giá lớn phần nào được bù đắp bởi giá xăng dầu đang trong đà giảm, cũng như giá vé máy bay giảm mạnh hơn bình thường vào thời điểm trong năm.

ONS cho biết, chi phí mà các doanh nghiệp phải đối mặt cũng bắt đầu tăng chậm hơn, phản ánh sự sụt giảm giá dầu thô trên toàn cầu trong tháng 9.

Trong một tuyên bố mới đây, Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt cho biết, "giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất" sẽ là ưu tiên khi nước này ngăn chặn tỷ lệ lạm phát cao, cùng với việc "mang lại sự ổn định kinh tế rộng rãi hơn và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn sẽ giúp ích cho tất cả mọi người".

Tỷ lệ lạm phát tháng 9 đã nêu bật mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lạm phát ở Anh và diễn ra khi nước này trải qua một thời kỳ kinh tế biến động.

Hôm 17/10, Bộ trưởng Jeremy Hunt đã đảo ngược phần lớn các kế hoạch cắt giảm thuế do Bộ trưởng Tài chính tiền nhiệm Kwasi Kwarteng đưa ra vào ngày 23/9.

Chuyên đề