Làm gì để tăng cạnh tranh ở các gói thầu xây lắp?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khảo sát của phóng viên Báo Đấu thầu gần đây cho thấy, mức độ cạnh tranh tại nhiều gói thầu còn thấp. Tình trạng chỉ 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu, đặc biệt trong lĩnh vực xây lắp, rất phổ biến khiến nhiều địa phương có văn bản lưu ý quá trình lựa chọn nhà thầu.
Nhiều hồ sơ mời thầu có tình trạng biến tướng tiêu chí khi yêu cầu xác nhận khảo sát hiện trường, giấy phép đổ thải, xác nhận lý lịch tư pháp của nhân sự… Ảnh minh họa: Lê Tiên
Nhiều hồ sơ mời thầu có tình trạng biến tướng tiêu chí khi yêu cầu xác nhận khảo sát hiện trường, giấy phép đổ thải, xác nhận lý lịch tư pháp của nhân sự… Ảnh minh họa: Lê Tiên

Những nét vẽ từ thực tế

Gói thầu XL2 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà vừa mở thầu ngày 3/12/2023 giá trị 662,258 tỷ đồng, thu hút 1 nhà thầu tham dự là Liên danh Công ty CP Hải Đăng - Công ty CP Quản lý và xây dựng công trình giao thông 487 - Công ty CP Đầu tư và xây lắp công trình 575 - Công ty TNHH Xây dựng công trình và thương mại Hoàng Anh. Dự án Kè chống sạt lở bờ tả, hữu sông Chu khu vực cầu Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa và đê tả sông Lèn, huyện Hà Trung (tỉnh Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư 249,999 tỷ đồng với loạt gói thầu chỉ 1 đơn vị tham dự. Gói thầu số 9 Thi công xây dựng và bảo hiểm công trình xây dựng các đoạn kè trên tuyến đê Hữu sông Chu: từ K39+00 ÷ K39+361, từ K39+361 ÷ K41+300 và từ K42+870 ÷ K43+500 thuộc về Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa - Công ty CP Xây dựng nông nghiệp Thanh Hóa với giá 71,238 tỷ đồng, sát giá gói thầu (71,51 tỷ đồng). Gói thầu số 10 Thi công xây dựng và bảo hiểm công trình xây dựng các đoạn kè trên tuyến đê Tả sông Chu: từ K30+100 ÷ K31+100 và từ K31+500 ÷ K33+750, giá trúng thầu của Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa - Công ty CP Đầu tư xây dựng và thương mại Huy Hoàn - Công ty CP Xây dựng 377 là 83,044 tỷ đồng, không cạnh tranh…

Ở nhiều gói thầu quy mô lớn, tính chất phức tạp thì số lượng nhà thầu đáp ứng yêu cầu không nhiều là dễ hiểu. Tuy nhiên, ở các gói thầu thông thường, tình trạng chỉ có 1 nhà thầu dự và trúng thầu đã khiến lãnh đạo một số ngành, địa phương phải lên tiếng chấn chỉnh. Mới đây nhất, tháng 10/2023, Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi có công văn gửi các sở, ngành, UBND các huyện và TP. Thủ Đức cùng các tổng công ty, công ty trực thuộc yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, theo dõi hoạt động lựa chọn nhà thầu và nhà đầu tư, đặc biệt đối với những gói thầu có nhiều kiến nghị, phản ánh tiêu cực, vi phạm; những gói thầu có ít nhà thầu tham gia dự thầu và có tỷ lệ tiết kiệm thấp; những trường hợp 1 nhà thầu trúng thầu nhiều gói thầu tại 1 địa phương, 1 chủ đầu tư, bên mời thầu trong thời gian dài... Tại Cà Mau, từ năm 2022, Sở KH&ĐT đã có văn bản báo cáo tình hình kiểm tra, giám sát các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự và nhận thấy tình trạng trên dẫn tới thiếu cạnh tranh trong đấu thầu. Tại Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã chỉ đạo giám sát chặt chẽ đối với những gói thầu chỉ có duy nhất 1 nhà thầu tham dự và xử lý nghiêm chủ đầu tư, bên mời thầu và các bên liên quan nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu. UBND TP. Hà Nội và nhiều địa phương khác cũng từng có văn bản chỉ đạo việc kiểm tra sát sao các gói thầu 1 dự, 1 trúng. Tuy nhiên, tình trạng 1 nhà thầu dự và trúng thầu vẫn diễn ra ở nhiều gói thầu.

Tình trạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu tại nhiều gói thầu đã khiến lãnh đạo nhiều địa phương phải lên tiếng chấn chỉnh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Tình trạng chỉ có 1 nhà thầu tham dự và trúng thầu tại nhiều gói thầu đã khiến lãnh đạo nhiều địa phương phải lên tiếng chấn chỉnh. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Thử lý giải nguyên nhân

Nhiều ý kiến cho rằng, về chủ trương, chính sách và chỉ đạo triển khai, nhiều địa phương đã thể hiện rõ trách nhiệm cũng như nỗ lực nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh trong hoạt động thầu, tạo cơ hội cho đông đảo nhà thầu tham gia cuộc thầu. “Thế nhưng, thực tế, nhiều rào cản cả vô hình lẫn hữu hình được dựng lên và vẫn tồn tại, khiến các nhà thầu hiểu chuyện thường tự rút lui”, một ý kiến chia sẻ.

Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT đã điểm ra một loạt hành vi hạn chế cạnh tranh ở tất cả các lĩnh vực (xây lắp, mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn, tư vấn), nhưng nhiều hồ sơ mời thầu (HSMT) vẫn liên tục vi phạm các tiêu chí đã được định danh rõ. Nhiều HSMT khác có tình trạng biến tướng tiêu chí sang các hành vi hạn chế cạnh tranh. Điển hình là tình trạng yêu cầu giấy phép bán hàng, giấy phép đổ thải, xác nhận khảo sát hiện trường, xác nhận lý lịch tư pháp của nhân sự… “Tại các gói thầu có yêu cầu trên, khi nghiên cứu HSMT, nhà thầu thấy rõ phải phát sinh nhiều chi phí, thời gian mới có thể đáp ứng yêu cầu của HSMT, nên dễ nản”, một nhà thầu cung cấp thiết bị tại TP. HCM nói.

Cùng với việc cài tiêu chí bất thường, tình trạng HSMT đăng tải qua mạng, nhưng lại “quên” đăng một số tài liệu cốt yếu, nhất là bản vẽ thiết kế, không phải chuyện hiếm gặp. Thực tế này dẫn tới nhà thầu quan tâm phải mất thời gian làm rõ, chờ đợi để được tiếp cận đủ HSMT. Có trường hợp bên mời thầu cài mật khẩu đối với bản dữ liệu trong HSMT, nhà thầu muốn tải về để lập hồ sơ dự thầu là bất khả thi…

Khi phát hiện ra HSMT có tiêu chí cài cắm, không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hay pháp luật chuyên ngành, việc kiến nghị, yêu cầu điều chỉnh HSMT thường mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp trả lời và điều chỉnh của BMT chỉ là hình thức, không đúng mực. “Quá trình công văn đi công văn lại làm kéo dài thời gian, dẫn tới nhà thầu trù trừ, thậm chí bỏ cuộc”, một nhà thầu tại Đồng Nai cho biết.

Một nguyên nhân khác được nhà thầu chỉ ra là tình trạng xử lý kiến nghị liên quan đến kết quả lựa chọn nhà thầu chưa thực sự khẩn trương, chặt chẽ. Một số nhà thầu cho biết, họ sẵn sàng hoàn thành nghĩa vụ tài chính để lập Hội đồng tư vấn xử lý kiến nghị, nhưng kết quả xử lý thường không như mong đợi, cũng làm giảm niềm tin của nhà thầu.

Theo chuyên gia đấu thầu Phạm Minh Yến, trong các văn bản chỉ đạo chấn chỉnh công tác đấu thầu, giám sát các gói thầu chỉ 1 nhà thầu tham dự, các cấp lãnh đạo đã chỉ rõ cần tăng cường chất lượng ở khâu lập HSMT và việc đánh giá HSDT cần tuân thủ nghiêm hướng dẫn của Bộ KH&ĐT. “Theo đó, HSMT không được cài cắm, đưa các tiêu chí hạn chế cạnh tranh, đánh giá HSDT cần khách quan, tránh làm khó nhà thầu. Các chủ đầu tư tuân thủ đúng chỉ đạo sẽ tạo nên môi trường cạnh tranh cởi mở cho các nhà thầu”, bà Yến nói.

Về phía địa phương, bên cạnh các công văn chấn chỉnh, bà Yến cho rằng, các địa phương cần xử lý mạnh tay, đúng mực các chủ đầu tư để xảy ra tình trạng HSMT vi phạm quy định và cần vào cuộc kịp thời trước những kiến nghị chính đáng của nhà thầu. Các địa phương cũng cần tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác đấu thầu, tuyên truyền phổ biến quy định pháp luật về đấu thầu để cải thiện chất lượng các cuộc thầu.

Chuyên đề