Làm gì để đón đầu cơ hội phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Tuy nhiên, hydrogen xanh vẫn được xem là nguồn năng lượng của tương lai, bởi có không ít thách thức trong phát triển. Vậy, Việt Nam cần làm gì để có thể khai thác, đón đầu cơ hội trong phát triển nguồn năng lượng này?
Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển hydrogen xanh (ảnh minh họa: Internet)
Nhiều chuyên gia năng lượng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng, lợi thế để phát triển hydrogen xanh (ảnh minh họa: Internet)

Triển vọng phát triển hydrogen xanh

Phát triển hydrogen xanh đang được đề cập ngày càng nhiều trong các diễn đàn, hội thảo về năng lượng của Việt Nam những năm gần đây. Tại các sự kiện này, không ít ý kiến cho rằng, hydrogen xanh được đánh giá một nguồn nhiên liệu sạch, được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế.

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Mạnh Hiến - Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam đánh giá, Việt Nam có lợi thế để phát triển hydrogen xanh. "Lý do là, Việt Nam có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào, nhất là chúng ta có bờ biển dài với tiềm năng điện gió ngoài khơi rất lớn. Nếu khai thác được nguồn năng lượng này để sản xuất hydrogen xanh thì đây sẽ là nguồn năng lượng sạch vô cùng có ý nghĩa trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 của Việt Nam vào năm 2050", TS. Nguyễn Mạnh Hiến cho biết.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Vy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cũng cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển hydrogen xanh để phục vụ cho nhu cầu trong nước và có thể xúc tiến xuất khẩu, bởi thực thế tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của đất nước là rất lớn. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều dự án điện mặt trời và điện gió đã được đầu tư.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, hiện nay đã có những quốc gia chấp nhận mua hydrogen xanh với giá cao, do đó, việc phát triển nguồn năng lượng này có thể mang lại hiệu quả kinh tế cho đất nước.

Để khai thác "nguồn năng lượng của tương lai" này, Bộ Công Thương cho hay, một số quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc... đã công bố lộ trình cụ thể để phát triển hydrogen xanh như một giải pháp hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon. Ở châu Âu, thị trường hydrogen đang được hình thành và được coi là nguồn nhiên liệu ưu tiên phát triển hàng đầu nhằm đạt được Thỏa thuận Xanh.

Tại Việt Nam, Dự thảo Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia đang được hoàn thiện đã đặt ra mục tiêu đến năm 2050, sản lượng hydrogen đạt khoảng 25 triệu tấn, nhiên liệu tổng hợp từ nguồn gốc hydro đạt khoảng 2,5 - 2,9 triệu tấn với lộ trình cụ thể.

Không ít khó khăn, thách thức

Đánh giá cao tiềm năng, cơ hội phát triển hydrogen xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, song các chuyên gia cho rằng, đây là lĩnh vực đầu tư mới đối với Việt Nam nên việc phát triển nguồn năng lượng này sẽ có không ít khó khăn, thách thức.

Chỉ rõ những thách thức đặt ra đối với việc phát triển ngành công nghiệp này tại Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam nhấn mạnh, do đây là nguồn năng lượng mới được sản xuất từ năng lượng tái tạo nên chi phí đầu tư khá lớn, giá bán cũng khá đắt đỏ so với giá thành sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời).

"Trong khi đó, hiện nay, các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo lại đang "mắc kẹt" nhiều dự án xây dựng xong nhưng không phát điện được. Do đó, muốn phát triển được hydrogen xanh trong dài hạn thì cần giải quyết "nút thắt" cho các dự án điện tái tạo hiện hành", ông Hiến bày tỏ.

Theo ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, hiện trên thế giới, hydrogen xanh đang được nhìn nhận là công nghệ của tương lai, nghĩa là tới thời điểm này, chi phí giá cả đang kém cạnh tranh hơn nhiều so với các nguồn năng lượng truyền thống. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có bất kỳ nền tảng công nghệ nào để có thể sản xuất hydrogen xanh. Vì thế, việc phát triển nguồn năng lượng này hiện có không ít thách thức.

"Nếu Việt Nam xây dựng mô hình sản xuất hydrogen xanh chỉ dựa trên cơ sở khai thác nguồn năng lượng điện gió và điện mặt dư thừa thì rõ ràng trong trường hợp này là hiệu quả không cao. Bởi, đáng lẽ nguồn điện năng tái tạo này có thể được sử dụng trực tiếp thì lại phải chuyển thành nhiên liệu hydrogen xanh với hiệu suất chuyển đổi thấp, dẫn tới hiệu quả kinh tế không cao", ông Sơn phân tích.

Nhìn từ câu chuyện thực tế trong phát triển năng lượng tái tạo hiện hành, ông Sơn nhấn mạnh, muốn phát triển được hydrogen xanh trong tương lai thì vấn đề quan trọng hiện nay là cần giải bài toán phát triển cho các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp đang gặp khó.

Tuy vậy, để có thể khai thác được cơ hội từ phát triển hydrogen xanh trong tương lai như các nghiên cứu chỉ ra, cả ông Sơn cũng như ông Hiến đều khuyến nghị, Việt Nam cần vạch ra lộ trình cụ thể trong "cuộc chơi" này. Theo đó, chính sách phát triển phải rõ ràng trong việc xác định Việt Nam tham gia với vai trò là quốc gia nhập khẩu công nghệ hay là làm chủ công nghệ thì mới có thể có được chính sách phù hợp.

Chuyên đề