Thời gian qua, xuất hiện tình trạng nhà thầu huy động máy móc, thiết bị không khớp với đề xuất tại hồ sơ dự thầu và hợp đồng. Ảnh minh họa: Lê Tiên |
Tuy nhiên, sau khi trúng thầu, công tác quản lý thiết bị thi công của nhà thầu có nhiều kẽ hở, khoảng trống, dẫn tới nhiều nhà thầu có cơ hội “mượn đầu heo nấu cháo” trên công trường...
Từ cài cắm đến nhắm mắt làm lơ
Tháng 10/2023, tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng), Gói thầu số 02 Thi công xây dựng đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương thuộc Dự án Xây dựng đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ khi phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) đã bị phản ánh về tiêu chí thiết bị thi công. Theo đó, đây là công trình giao thông cấp III trong đô thị, với các hạng mục cơ bản gồm: thi công móng cấp phối đá dăm, mặt đường bê tông nhựa C19, hệ thống thoát nước dọc, ngang. Tuy nhiên, HSMT yêu cầu 2 máy lu rung trọng lượng tĩnh 25 tấn trở lên. “Đây là thiết bị không phù hợp để thi công công trình giao thông cấp III trong đô thị vì khi triển khai sẽ phá hỏng kết cấu nền móng mặt đường cũng như các công trình xây dựng lân cận”, một nhà thầu phản ánh. Theo các nhà thầu, yêu cầu này là một dạng “cài cắm” trong HSMT nhằm hạn chế cạnh tranh. Việc nhà thầu được đánh giá đáp ứng tiêu chí này không huy động thiết bị để thi công là tất yếu vì sẽ ảnh hưởng đến nhà cửa, tài sản của người dân dọc tuyến đường.
Trong khi đó, Gói thầu số 01 Xây lắp tuyến số 1 và tuyến số 3 thuộc Dự án Đường nội thị thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai phát sinh kiến nghị kéo dài cũng liên quan trực tiếp đến thiết bị thi công. Ban QLDA ĐTXD thị xã Ayun Pa (Chủ đầu tư) yêu cầu các thiết bị thi công chủ yếu gồm: máy lu bánh thép 8T, máy lu bánh lốp 16T, máy lu bánh lốp 25T, máy lu rung 25T, máy lu bánh thép chân cừu 25T, máy đào 0,8 m3, máy đào 1,6 m3, máy ủi 110 CV, máy san phải có giấy chứng nhận đăng ký xe máy chuyên dùng, có giấy chứng nhận chất lượng/kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác sử dụng theo quy định còn hiệu lực. Tuy nhiên, đối chiếu Danh mục các loại máy, thiết bị theo quy định tại Thông tư số 36/2019/TT-BLĐTBXH thì các loại thiết bị trên không nằm trong danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động. Các yêu cầu về thiết bị như vậy những tưởng sẽ giúp lựa chọn được đơn vị có dàn thiết bị hiện đại, hùng hậu để thi công. Tuy nhiên, đơn kiến nghị gửi Báo Đấu thầu cho thấy, qua quan sát cũng như xác lập vi bằng, nhà thầu phản ánh đơn vị thi công huy động thiết bị hoàn toàn trái ngược, không bảo đảm yêu cầu, không khớp với đề xuất trong hồ sơ dự thầu.
Tình trạng cài cắm tiêu chí khó trong HSMT, ngó lơ cho nhà thầu khi khi thiết bị thi công không bảo đảm đang cho thấy, diễn biến của việc huy động thiết bị sau khi trúng thầu của các nhà thầu thực sự phức tạp, khó lường. Hiện nay, tình trạng một thiết bị được nhà thầu huy động cùng lúc cho nhiều gói thầu rất phổ biến. Điều này đặt ra dấu hỏi về tính khả thi của thiết bị khi các gói thầu có cùng thời điểm thi công. Bên cạnh đó, các hợp đồng nguyên tắc giữa nhà thầu và đơn vị cung ứng thiết bị đang bị lợi dụng với mục đích “tô vẽ” HSDT của nhà thầu là chính. Một thiết bị cùng lúc được đơn vị cung ứng ký nguyên tắc với hàng loạt nhà thầu. Đó là chưa kể, thiết bị chào thầu thì hiện đại, công suất cao, nhưng thiết bị thi công lại lèo tèo, cũ kỹ…
Trên thực tế, tình trạng thiết bị thi công của nhà thầu không bảo đảm đã phần nào ảnh hưởng tới tiến độ của nhiều gói thầu, dự án. Ví dụ, theo báo cáo của Ban QLDA Mỹ Thuận, hiện trên công trường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) có hơn hơn 500 đầu máy móc thiết bị, đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, thiết bị của các đơn vị thường xuyên hư hỏng, chậm sửa chữa nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Huy động thiết bị là thước đo uy tín nhà thầu
Huy động thiết bị thi công thể hiện năng lực tài chính, năng lực thi công, khả năng quản trị của mỗi nhà thầu. Do đó, theo TS. Nguyễn Việt Hùng, chuyên gia về đấu thầu, trước hết, HSMT phải chuẩn chỉnh, không được cài cắm để các nhà thầu phải đối phó, “tô vẽ” HSDT. Tiếp theo, chuyện một chủ sở hữu thiết bị thi công cùng lúc ký hợp đồng cho thuê với nhiều nhà thầu, phục vụ thi công cùng lúc nhiều công trình xảy ra vì khâu giám sát thực hiện hợp đồng lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng nhà thầu cam kết một đằng nhưng thực tế lại huy động máy móc, thiết bị một nẻo. Quá trình thi công sau đấu thầu, đơn vị tư vấn giám sát và chủ đầu tư hoặc thiếu nghiệp vụ chuyên môn để phát hiện sai lệch hoặc “bỏ quên” hồ sơ dự thầu, mặc cho nhà thầu tự biên tự diễn ngoài công trình rồi vẫn ký nghiệm thu và nhận bàn giao công trình của nhà thầu.
Các hợp đồng nguyên tắc giữa nhà thầu và đơn vị cung ứng thiết bị đang bị lợi dụng với mục đích “tô vẽ” HSDT của nhà thầu là chính. Một thiết bị cùng lúc được đơn vị cung ứng ký nguyên tắc với hàng loạt nhà thầu. Đó là chưa kể, thiết bị chào thầu thì hiện đại, công suất cao, nhưng thiết bị thi công lại lèo tèo, cũ kỹ…
Ông Lương Văn Long, Giám đốc công trường Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 cho rằng, việc huy động thiếu thiết bị, đưa thiết bị kém chất lượng, sai chủng loại vào công trường dễ xảy ra ở những công trình mà chủ đầu tư buông lỏng công tác quản lý, để nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn giám sát “tự tung tự tác”. Để giám sát chặt quá trình thi công của nhà thầu, Ban QLDA Thăng Long đã thành lập bộ máy đại diện cho Chủ đầu tư bám sát công trường 24/24, cử nhân sự phù hợp, có chuyên môn thường xuyên túc trực, theo dõi “nhất cử nhất động” của nhà thầu ngoài công trường. Do đó, từng máy móc, thiết bị, từng xe cát, xe sỏi vào công trường, phục vụ thi công công trình đều phải có nguồn gốc rõ ràng và đúng với cam kết của nhà thầu như trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng đã ký. Việc thay thế thiết bị trong từng hoàn cảnh cụ thể (nếu có) phải bảo đảm chất lượng tương đương hoặc tốt hơn và phải được sự đồng ý của chủ đầu tư.
Một số chuyên gia cho rằng, việc đánh giá uy tín của nhà thầu thông qua thực hiện hợp đồng, cụ thể là sử dụng thiết bị là vô cùng cần thiết. Theo ông Trần Kỳ Sơn, nguyên Chánh thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực trạng tồn tại lâu nay là HSDT của nhà thầu thường làm cho đẹp, đáp ứng tối đa yêu cầu của HSMT để được trúng thầu. Tuy nhiên, thực tế thi công, nhà thầu huy động thiếu đủ thứ, từ máy móc đến nhân công, vật liệu… Nhiều chủ đầu tư cũng vì “cả nể” nên cho qua, thường chỉ tập trung vào tiến độ thực hiện của nhà thầu mà không biết rằng, huy động đúng loại máy móc, thiết bị cần thiết thì mới bảo đảm được chất lượng công trình.
Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng “mượn đầu heo nấu cháo” thiết bị thi công trên công trường, các chủ đầu tư phải phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong giám sát thiết bị thi công của nhà thầu, bám sát HSMT, HSDT và cam kết của nhà thầu để đối chứng với quá trình thực hiện. Đồng thời, cần đánh giá nghiêm túc uy tín của nhà thầu và công khai thông tin sau mỗi công trình để làm gương, nêu cao tinh thần trách nhiệm của nhà thầu giữa hứa và làm.