Làm Đường tại Trảng Bom, Đồng Nai: Bốn tháng đã hỏng, cần làm rõ nguyên nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tuyến đường nội đồng xã Quảng Tiến đoạn từ đường sắt ga Trảng Bom đến giáp ranh xã Giang Điền, thuộc ấp Quảng Phát, xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được đưa vào sử dụng khoảng 4 tháng đã xuống cấp, hư hỏng nhiều điểm khiến người dân địa phương bức xúc, đặt nghi vấn về năng lực của nhà thầu thi công.
Tuyến đường nội đồng xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sau khi Nhà thầu sửa chữa các đoạn hư hỏng. Ảnh: Ngọc Tuấn
Tuyến đường nội đồng xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sau khi Nhà thầu sửa chữa các đoạn hư hỏng. Ảnh: Ngọc Tuấn

Dự án Tuyến đường nội đồng xã Quảng Tiến đoạn từ đường sắt ga Trảng Bom đến giáp ranh với xã Giang Điền có mức đầu tư hơn 9 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án huyện Trảng Bom làm chủ đầu tư. Tháng 12/2021, Gói thầu Xây dựng công trình thuộc Dự án với giá gói thầu 7.284.577.000 đồng được đấu thầu rộng rãi. Nhà thầu duy nhất tham dự và trúng thầu là Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hùng Phi với giá trúng thầu 7.274.888.000 đồng; thời gian thực hiện hợp đồng 120 ngày, loại hợp đồng trọn gói.

Dự án được khởi công cuối năm 2021, hoàn thành và đưa vào sử dụng dịp 1/5 vừa qua. Tuyến đường dài khoảng 1,1 km, bề ngang mặt đường 5 m, hai bên có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, đến đầu tháng 9 xảy ra hiện tượng mặt đường rạn nứt, bong tróc, hư hỏng và xuống cấp ở nhiều điểm, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn. Theo phản ánh của người dân, đây là lần thứ hai tuyến đường bị hư hỏng và phải sửa chữa kể từ ngày hoàn thành đưa vào sử dụng.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, Ban Quản lý dự án huyện Trảng Bom đã lập đoàn kiểm tra và tiến hành khắc phục hư hỏng. Ban đã yêu cầu đơn vị thi công cắt bỏ các đoạn đường bị rạn nứt, bong tróc để thay mới kết cấu nền hạ, lu lèn và thảm nhựa lại mặt đường. Ghi nhận thực tế tại Dự án vào sáng 27/9/2022, các đoạn đường hư hỏng đã được sửa chữa và để lại những vệt gồ ghề. Công trình đang trong thời gian bảo hành, nhưng một số người dân sinh sống và kinh doanh hai bên đường vẫn bày tỏ lo ngại về chất lượng tuyến đường và hoài nghi về năng lực nhà thầu thi công.

Đáng chú ý, tuyến đường được xây dựng trên khu vực có nền đất cao ráo, cứng, không gian rộng rất thuận lợi cho nhà thầu áp dụng giải pháp thi công, cấp công trình đơn giản, nhưng lại xảy ra hư hỏng phần nền và mặt đường. Để tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng này do khâu khảo sát, thiết kế, do tác động điều kiện địa chất phức tạp, do xe quá tải lưu thông, hay do chất lượng thi công, phóng viên Báo Đấu thầu đã liên hệ với Ban Quản lý dự án huyện Trảng Bom. Tuy nhiên, ông Trần Đinh Trung, Phó Giám đốc Ban từ chối cung cấp thông tin liên quan đến vụ việc.

Theo thông tin từ Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng), Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hùng Phi được thành lập vào tháng 3/2010, có địa chỉ trụ sở chính tại huyện Trảng Bom. Nhà thầu này được cấp mã Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng số 00014368 trong các lĩnh vực thi công xây dựng công trình giao thông (đường bộ), hạ tầng kỹ thuật (cấp - thoát nước), công trình thủy lợi như kênh, hồ chứa, công trình cửa, trạm bơm, đê, đập ở hạng III với thời hạn tới 11/8/2029; công trình dân dụng hạng III với thời hạn 25/7/2023.

Trong 3 năm gần đây (2019 - 2021), với tư cách nhà thầu độc lập hoặc thành viên liên danh, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hùng Phi trúng 15 gói thầu, đều trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, với tổng giá trị 72.786.884.740 đồng. Phần lớn các gói thầu do Ban Quản lý dự án huyện Trảng Bom làm chủ đầu tư. Từ đầu năm 2022 đến nay, Công ty có sự bứt phá khi được công bố trúng 6 gói thầu, trong đó có thể kể đến Gói thầu số 9 Xây dựng công trình thuộc Dự án Đường C2 ấp Thuận An đến giáp ranh xã Tây Hòa (huyện Trảng Bom) với giá trúng thầu hơn 18,448 tỷ đồng; Gói thầu số 3 Xây dựng công trình thuộc Dự án Đường song song với đường sắt thuộc ấp Phú Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom) với giá trúng thầu 7,247 tỷ đồng… Tại nhiều gói thầu, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hùng Phi không phải cạnh tranh vì là nhà thầu duy nhất tham dự.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư