Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Tổng số vốn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân lên tới 1.337 tỷ đồng thuộc nguồn ngân sách trung ương bổ sung các chương trình có mục tiêu là vốn trong nước, bố trí cho 10 dự án.
Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp phải chuyển 2 dự án với tổng số vốn trên 666 tỷ đồng. Đó là công trình Hồ chứa nước Đông Thanh đề xuất trên 156 tỷ đồng; công trình Hồ chứa nước Ta Hoét đề xuất chuyển trên 510 tỷ đồng kéo dài sang năm 2024.
Riêng trong lĩnh vực giao thông, tỉnh Lâm Đồng cũng đề xuất chuyển trên 670 tỷ đồng kéo dài sang thực hiện trong năm 2024.
Trong đó có các dự án gồm: đường bộ cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) với tổng số vốn phải chuyển 400 tỷ đồng; xây dựng tuyến ĐT729 kết nối Lâm Đồng với Bình Thuận và ĐT722 kết nối Lâm Đồng với Đắk Lắk với tổng nguồn vốn phải chuyển gần 192 tỷ đồng; đầu tư 5 cầu yếu ở các huyện: Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đức Trọng, Lâm Hà…
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương (vốn nước ngoài), kế hoạch năm 2023 tỉnh Lâm Đồng được bố trí 150 tỷ đồng cho Dự án Cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp do không thực hiện được nên Tỉnh không đề xuất kéo dài mà xin hủy dự toán năm 2023.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2023, các đơn vị chủ đầu tư đã quan tâm đến việc thu hồi đất, chủ động vận động người dân bàn giao mặt bằng thi công nhưng vẫn có một số hộ dân chưa đồng thuận với phương án được phê duyệt nên kéo dài việc hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng...
Bên cạnh đó, thời tiết mưa nhiều, sự cố thiên tai sạt trượt (dự án hồ chứa nước Đông Thanh) ảnh hưởng đến tiến độ thi công và giải ngân kế hoạch vốn đã được bố trí.
Một số dự án đi qua diện tích đất có rừng phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác mất nhiều thời gian, kéo dài.