Lãi suất trái phiếu Chính phủ đang thấp kỷ lục. Ảnh minh họa |
HNX cho biết từ đầu năm 2019 đến nay KBNN đã phát hành tổng cộng được 170.181,5 tỉ đồng trái phiếu. Lượng trái phiếu chính phủ chưa đáo hạn đang lưu hành trên thị trường hiện nay, theo tính toán của HNX, khoảng 250.000 tỉ đồng. Do giải ngân trái phiếu chính phủ các năm qua đều đạt thấp hơn kế hoạch và đặc biệt thấp trong mười tháng đầu năm nay, tiền thu từ phát hành trái phiếu được KBNN gửi vào các ngân hàng thương mại (NHTM).
Những năm trước, căn cứ vào báo cáo tài chính của các ngân hàng, nhất là những ngân hàng niêm yết, KBNN thường gửi tiền ở các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối như Vietcombank, VietinBank, BIDV hay 100% vốn quốc doanh như Agribank. Tầm hơn một năm trở lại đây, KBNN bắt đầu gửi tiền sang các ngân hàng cổ phần, dẫu vậy tiền KBNN gửi vào những ngân hàng lớn vẫn áp đảo.
Ở các nước, theo thông lệ quốc tế, tiền của KBNN do ngân khố nhà nước quản lý, được gửi vào tài khoản ở ngân hàng trung ương. Ở Việt Nam là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN trả lãi suất 1,2%/năm cho tiền gửi không kỳ hạn của KBNN. Sở dĩ tiền của KBNN phải gửi vào NHNN là vì NHNN là cơ quan quản lý tiền tệ, thực hiện các công cụ bơm hút tiền ra vào trong lưu thông, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế đồng thời kiểm soát lạm phát. Thế nhưng đến nay KBNN vẫn chưa gửi tiền vào NHNN mà tiếp tục gửi ở NHTM.
Tiền của KBNN gửi vào các NHTM cũng là không kỳ hạn và được các ngân hàng trả lãi suất không kỳ hạn, tức từ 0,3-1%/năm. Một ngân hàng cổ phần cho biết mức lãi suất không kỳ hạn chính thức trên sổ sách 1%/năm là cao nhất, không nơi nào trả cao hơn. Thật kỳ lạ, NHNN trả lãi suất không kỳ hạn 1,2%/năm, cao hơn lãi suất cùng kỳ hạn của NHTM, sao KBNN không gửi ở NHNN, lại chọn gửi ở tổ chức tín dụng?
Có ý kiến cho rằng KBNN gửi tiền ở NHTM cho tiện rút ra rút vào, tức nếu cần giải ngân thì có nguồn ngay. Vậy thì gửi ở NHNN thì không thuận tiện sao? NHNN không có sẵn nguồn tiền bất cứ thời điểm nào thì còn ai có? Mà nguồn tiền của NHTM nào nhiều hơn nguồn tiền của NHNN? NHNN có thể bơm ra, hút vào hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng/ngày thông qua các công cụ tín phiếu, thị trường mở, tái cấp vốn, tái chiết khấu. Cho nên nhận định rằng KBNN gửi tiền ở NHTM thuận tiện hơn xem ra không có cơ sở.
Vấn đề có lẽ nằm ở chỗ mối quan hệ của KBNN với các NHTM. Mối quan hệ này thực chất như thế nào thì chỉ bên gửi tiền và bên nhận tiền gửi biết. Nên nhớ các chủ thể mua trái phiếu KBNN phát hành nhiều nhất là các NHTM. Bốn ngân hàng Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank thường xuyên nắm giữ lượng trái phiếu chính phủ lớn. Tất nhiên các ngân hàng không hạch toán rạch ròi sử dụng tiền gửi của KBNN để đi mua trái phiếu KBNN dù như thế là quá lời vì lợi tức trái phiếu chính phủ bao giờ chẳng cao hơn lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn. Ở đây bỏ qua yếu tố rủi ro kỳ hạn, sự chênh lệch kỳ hạn tiền gửi và kỳ hạn trái phiếu.
Tiền gửi của KBNN thường bắt buộc hòa chung vào các nguồn huy động đầu vào của các ngân hàng. Ngân hàng nào nhận được tiền gửi của KBNN càng nhiều, giá thành vốn huy động có khả năng càng thấp. Tiền tạo ra tiền, vòng quay vốn càng nhanh thì cung tiền được tạo ra càng lớn. Cho nên 250.000 tỉ đồng tiền gửi ở NHTM của KBNN không đơn thuần chỉ là 250.000 tỉ đồng mà có thể tăng gấp rưỡi, gấp đôi hay gấp ba dựa trên vòng quay sử dụng tiền. Điều này tác động trực tiếp đến cung cầu tiền tệ trên thị trường, đến thanh khoản thị trường nói chung, một số NHTM nói riêng. Việc kiểm soát thanh khoản và cung cầu tiền tệ thị trường cũng như lạm phát của NHNN, theo đó, trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Quay trở lại với lãi suất trái phiếu chính phủ, chính nguồn tiền gửi của KBNN ở các NHTM là một trong những yếu tố trọng yếu đẩy lãi suất trái phiếu xuống thấp kỷ lục. Tiền chạy vòng quanh có thể tạo ra lợi nhuận cho một số ngân hàng, nhưng điểm thực chất là giải ngân trái phiếu chính phủ cho phát triển kinh tế lại không đạt chỉ tiêu đề ra. Gánh nặng vốn cho doanh nghiệp, như vậy, thêm một lần đè lên vai hệ thống ngân hàng, còn sử dụng vốn huy động từ trái phiếu, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn.