Lãi suất thấp, DN trả cổ tức cao hấp dẫn nhà đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bối cảnh mặt bằng lãi suất gửi tiết kiệm giảm sâu đang khiến những doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận tốt và chi trả cổ tức ở mức cao trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư.
Cổ đông Gemadept có khả năng nhận cổ tức lớn trong năm 2023. Ảnh: Thu Huyền
Cổ đông Gemadept có khả năng nhận cổ tức lớn trong năm 2023. Ảnh: Thu Huyền

Những tin vui cổ tức đầu năm

Công ty CP Đường Quảng Ngãi (Đường Quảng Ngãi) cho biết, ngày 11/1/2024, Công ty sẽ chốt danh sách cổ đông để tạm ứng cổ tức đợt 2/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%. Trước đó, vào cuối tháng 8/2023, Công ty đã tạm ứng cổ tức đợt 1/2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và số tiền được chi trả vào đầu tháng 9/2023. Như vậy, tổng tỷ lệ cổ tức năm 2023 của Đường Quảng Ngãi là 20%, vượt mức tối thiếu 15% như kế hoạch được thông qua tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023.

Bối cảnh thuận lợi nhờ giá đường thế giới tăng lên mức đỉnh cao nhất 11 năm kéo theo đà tăng của giá đường trong nước, cùng các chính sách phòng vệ thương mại từng bước phát huy tác dụng đã phản ánh vào kết quả kinh doanh của Đường Quảng Ngãi nói riêng và các doanh nghiệp mía đường nói chung.

Trong 11 tháng năm 2023, Đường Quảng Ngãi ước đạt 9.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23%; lợi nhuận trước thuế đạt 2.100 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, sau 11 tháng, Công ty đã vượt 14% kế hoạch doanh thu và vượt 75% chỉ tiêu lợi nhuận.

Bộ phận phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán FPT (FPTS) nhận định, Đường Quảng Ngãi có thể dùng 60 - 90% lợi nhuận sau thuế để trả cổ tức, tạo ra tỷ suất cổ tức cao trên thị giá cổ phiếu hiện nay.

Tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trước thời điểm kết thúc năm 2023, Công ty công bố Nghị quyết của HĐQT về việc điều chỉnh kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023. Trong đó, BSR điều chỉnh tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 lên 7% vốn điều lệ, gấp 2,3 lần kế hoạch cổ tức 3% ban đầu.

Năm 2023, hoạt động kinh doanh của BSR được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn dự kiến trong bối cảnh giá dầu ổn định hơn, chênh lệch giá giữa sản phẩm lọc và dầu thô phục hồi sau giai đoạn giảm thấp, sản lượng tiêu thụ tăng cùng việc dời kế hoạch bảo dưỡng định kỳ, qua đó giúp Công ty ghi nhận đạt lợi nhuận sau thuế đạt 6.186 tỷ đồng sau 9 tháng.

Theo thống kê, chỉ trong tuần làm việc đầu tiên của năm 2024, đã có 13 doanh nghiệp thực hiện chốt quyền cổ tức cho cổ đông. Trong đó, 9 doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền mặt. Đáng chú ý, có tới 8 khoản cổ tức tiền mặt được dự kiến sẽ hoàn tất thanh toán tiền cho cổ đông ngay trong tháng 1/2024.

Kỳ vọng doanh nghiệp đột biến cổ tức

Tại Công ty CP Gemadept, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, Công ty báo lãi sau thuế đạt 2.310 tỷ đồng, gấp 2,45 lần cùng kỳ năm 2022. Bất chấp bối cảnh khó khăn của ngành cảng biển, Gemadept vẫn tăng trưởng đột biến nhờ ghi nhận lợi nhuận lên tới 1.844 tỷ đồng từ bán vốn tại Công ty CP Cảng Nam Hải Đình Vũ trong quý II/2023. Dù chưa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 nhưng số lợi nhuận 9 tháng đủ bảo đảm cho lợi nhuận cả năm 2023 của Gemadept đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Khoản lợi nhuận và dòng tiền đột biến thu được từ thoái vốn khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Gemadept sẽ tăng tỷ lệ chi trả cổ tức tại ĐHCĐ thường niên 2024 tới đây. Trước đó, năm 2018, Gemadept đã chi trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 80% nhờ khoản lãi từ các thương vụ thoái vốn 2 công ty con mảng logistics và vận tải biển cho Tập đoàn CJ (Hàn Quốc).

Đáng chú ý, sau khi thoái vốn tại Cảng Nam Hải Đình Vũ, đầu tháng 11/2023, HĐQT Gemadept tiếp tục thông qua kế hoạch chuyển nhượng 99,98% cổ phần đang nắm giữ tại Công ty CP Cảng Nam Hải. Nếu thương vụ thành công, Gemadept sẽ tiếp tục có thêm khoản lợi nhuận, dòng tiền đột biến trong năm 2024.

Trong ngành ngân hàng, nhiều nhà băng cũng được kỳ vọng sẽ thực hiện trả cổ tức ở mức cao trong năm nay.

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) được đánh giá là ẩn số trong “câu chuyện” cổ tức năm 2024 sau khi lãnh đạo ngân hàng này có những chia sẻ về chính sách cổ tức hấp dẫn dành cho cổ đông đang được ấp ủ sau thời gian dài không trả cổ tức. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tính đến 30/9/2023, Techcombank có 46.266 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối, trích lập các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu 43.386 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ 35.172 tỷ đồng.

Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cổ tức là vấn đề làm nóng ĐHCĐ thường niên những năm gần đây khi việc thực hiện đề án tái cơ cấu khiến Ngân hàng không chia cổ tức. Tại ĐHCĐ năm 2023, ban lãnh đạo ngân hàng này cho biết, xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu và Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước với kỳ vọng “sang năm, cổ đông không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức nữa”.

Tính tới 30/9/2023, báo cáo tài chính của Sacombank cho biết, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tích lũy đạt 18.130 tỷ đồng. Mới đây, lãnh đạo Sacombank cho biết, ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt hơn 9.500 tỷ đồng, tăng 50% so năm 2022 và đạt 100% kế hoạch. Qua đó, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tới cuối năm 2023 ước tính vượt mức 20.000 tỷ đồng và vượt vốn điều lệ của Ngân hàng (18.852 tỷ đồng).

Tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), bất chấp bối cảnh kinh tế khó khăn của năm 2023 ảnh hưởng đến mảng tài chính tiêu dùng - lĩnh vực có đóng góp lớn vào kết quả kinh doanh, VPBank vẫn nằm trong nhóm được kỳ vọng sẽ tăng chi trả cổ tức năm 2024 nhờ nguồn lợi nhuận của năm 2023 kết hợp với lợi nhuận để lại của năm 2022.

Trong quý IV/2023, việc phát hành 1,19 tỷ cổ phiếu VPBank cho SMBC với giá trị lên đến 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD) đã được thông báo hoàn tất. Thương vụ ước tính giúp VPBank thu về khoản thặng dư vốn cổ phần lên tới 24.000 tỷ đồng.

Chuyên đề