Lãi suất cao, hạn mức cạn, doanh nghiệp khốn khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Cùng với đà tăng của lãi suất huy động, lãi suất cho vay đã tăng cao trong thời gian gần đây, phổ biến ở mức 13 - 14,5% ở nhiều ngân hàng. Dù chấp nhận lãi cao, doanh nghiệp (DN) vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn này bởi nhiều ngân hàng đã “hết hạn mức cho vay”.
Nhiều doanh nghiệp thép phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động. Ảnh: Nhã Chi
Nhiều doanh nghiệp thép phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động. Ảnh: Nhã Chi

“Khó lắm. Kể cả có tài sản bảo đảm thì cũng sẽ không qua được cửa giải trình mục đích vay vốn. Hạn mức tín dụng còn lại rất hạn hẹp nên chỉ cấp cho những khoản vay có mục đích rõ ràng, triển vọng sinh lời cao”. Đó là câu trả lời của nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại (NHTM) lớn tại Hà Nội với một DN tư nhân muốn vay 500 triệu đồng phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh cuối năm 2022.

Đây cũng là thực trạng chung của nhiều DN muốn tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tháo gỡ các vướng mắc về vốn cho DN trong lĩnh vực này.

Theo VASEP, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với DN thủy sản, dù nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60 - 80% hạn mức tín dụng, khiến DN không đủ tiền để thu mua nguyên liệu, vật tư cho sản xuất, phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí, có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.

Tại văn bản vừa được gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính nhận định, một trong những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu của DN nửa cuối quý IV/2022 và đầu năm 2023 là lãi suất tăng nhanh, làm chi phí vốn sản xuất của DN tăng cao.

Cụ thể, DN ngành thép đối diện với “khủng hoảng lớn” khi cung vượt xa cầu, trong khi đơn hàng xuất khẩu lẫn đơn hàng trong nước đồng loạt giảm mạnh. Nhiều DN phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền hoạt động, chi phí lãi vay rất cao trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo.

DN các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn, nhưng hiện nay các ngân hàng không giải ngân do áp lực về hạn mức tín dụng. Do đó, DN không thể tiếp nhận và ký kết hợp đồng mới. Mặt khác, đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi DN phải đầu tư máy móc, công nghệ mới, nhưng do thiếu vốn, DN không thể đáp ứng yêu cầu này dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

DN nông nghiệp phản ánh về việc thiếu vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số nông sản (đặc biệt các loại hạt nguyên liệu) có kỳ thu mua tập trung vào các tháng cuối năm và đầu năm 2023. Thời gian thu mua gấp, nhu cầu vốn lớn, nhưng DN không thể tiếp cận tín dụng nên dự báo rất khó cạnh tranh với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, DN sản xuất vật liệu xây dựng bị dừng hầu hết hợp đồng cung ứng vật liệu cho các công trình; các hợp đồng đã hoàn tất lại không thể thanh toán do chủ đầu tư cũng không có dòng tiền, không vay được ngân hàng để trả cho DN cung ứng vật liệu. Bên cạnh đó, một số công trình xây dựng sử dụng vốn đầu tư công đang đình trệ khiến nhóm DN này thực sự khủng hoảng.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất điều hành đã trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019 và có khả năng NHNN sẽ điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thêm ít nhất 50 - 100 điểm cơ bản trong quý IV/2022 - quý I/2023. Lãi suất huy động hiện đã cao hơn 1,7 - 1,9 điểm % so với đầu năm và cao hơn 20 - 50 điểm cơ bản so với đầu năm 2019.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, từ nay đến đầu năm 2023, DN sẽ rất khó khăn về nguồn vốn do hạn mức tín dụng hạn hẹp và lãi suất cho vay rất cao. Về lãi suất, việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến tiếp tục tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất các nước. Tại Việt Nam, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng vẫn chưa hạ nhiệt. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể ở mức thấp như trước. Về hạn mức tín dụng, trước áp lực lạm phát rất lớn trong thời gian tới, nguồn cung tín dụng cho thị trường khó có thể đẩy mạnh. Do đó, việc các ngân hàng kén chọn để phân bổ nguồn vốn tín dụng eo hẹp vào những lĩnh vực ưu tiên ở thời điểm này là phù hợp để vừa bảo toàn nguồn vốn trong bối cảnh nhiều rủi ro, vừa thực hiện đúng định hướng của Chính phủ.

TS. Châu Đình Linh, giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, ở thời điểm hiện tại, dù nhiều DN và cá nhân chấp nhận mức lãi suất cao song vẫn không thể tiếp cận vốn vì ngân hàng không còn hạn mức.

“Chính phủ đang điều hành nền kinh tế theo định hướng cân bằng giữa ổn định vĩ mô và hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng hai mục tiêu này đều đang có một số rủi ro do tác động từ cả kinh tế thế giới và kinh tế trong nước. Với ít cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các kênh huy động vốn khác cũng khó khăn, nhiều DN chọn tái cơ cấu nguồn vốn thay vì tính chuyện vay tiếp để mở rộng sản xuất kinh doanh. Một số DN phải tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm quy mô hoạt động để gắng gượng qua giai đoạn hiện nay”, ông Linh nói.

Chuyên đề